Thanh khoản phập phù
Thông tin hạ lãi suất thúc đẩy VN-Index tăng mạnh, hướng mốc 1.130 điểm. Chỉ số chính lên mốc cao mới trong năm 2023, nhưng cũng từ đây, áp lực bán tăng mạnh. Điều này đã phản ánh rõ vào thực tế thị trường thời gian qua.
Đơn cử, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (16/6), VN-Index giảm 1,75 điểm (0,16%) xuống 1.115,22 điểm. HNX-Index giảm 1,09 điểm (0,47%) xuống 228,44 điểm. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,08%) lên 84,62 điểm. Thanh khoản tăng vọt, giá trị giao dịch HoSE đạt 22,425 tỷ đồng, trở lại ngưỡng tỷ đô.
Tuy nhiên, đến phiên giữa tuần ngày 20/6, thanh khoản trên thị trường lại sụt giảm mạnh và VN-Index quay đầu tăng sau nhiều giằng co. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm 10,28% so với phiên trước, đạt 14.942,3 tỷ đồng, là mức thanh khoản thấp nhất trong 3 tuần trở lại đây.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng trên HOSE với giá trị 407,88 tỷ đồng, trong đó bán ròng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bán ròng trên HNX với giá trị 26,06 tỷ đồng.
Kết phiên, VN-Index tăng 6,32 điểm (+0,57%) lên mức 1.111,72 điểm. HNX-Indexphục hồi tích cực hơn khi tăng 2,25 điểm (+0,99%) lên mức 228,77 điểm. Độ rộng tích cực trở lại khi có tổng cộng 417 mã tăng giá (322 mã tăng trần), 183 mã giảm giá (05 mã giảm sàn) và 122 mã giữ giá tham chiếu.
Nhận định thị trường của Công ty Chứng khoán SHS dự báo, thị trường sẽ còn có thể có những diến biến rung lắc, điều chỉnh với hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index quanh 1.095 điểm trong quá trình tích lũy trước khi có thể vượt qua khỏi ngưỡng kháng cự 1.120 điểm -1.130 điểm và hướng tới khu vực 1.150 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, tiếp tục nắm giữ danh mục đã được cơ cấu tốt. Trong trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng, nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng mua vào ở các nhịp điều chỉnh, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Công ty Chứng khoán SHS
Xu hướng trung - dài hạn của thị trường vẫn được duy trì tích cực khi thị trường vận động trong vùng tích lũy rộng từ 1.000 điểm -1.150 điểm và đang mở ra cơ hội tạo dựng Uptrend trong trường hợp VN- Index tích lũy và vượt qua vùng 1.150 điểm cộng với sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô tích cực.
Giải ngân vào các cổ phiếu có nền tảng tốt
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng trong nhiều năm qua, duy trì diễn biến sôi động, thanh khoản tốt và ngày càng khẳng định là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và DN.
Đồng thời, đây cũng là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước tham gia.“Không chỉ ngày càng thuận lợi hơn trong việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, mà khi tham gia, các DN Việt Nam đã có những bước tiến rõ nét trong quản trị, minh bạch và phát triển bền vững…” - bà Phương nhấn mạnh.
Nhận định về TTCK đến cuối năm 2023, theo các chuyên gia, có hai chủ điểm đầu tư cơ bản cần phải quan sát là xu hướng giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và đầu tư công.
Trong xu hướng giảm lãi suất, ngân hàng là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Khi lãi suất điều hành giảm, chi phí huy động đầu vào giảm nhưng chi phí cho vay giảm với tốc độ thấp hơn sẽ giúp NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) tốt hơn.
Mặt khác, lãi suất giảm cũng sẽ kéo dòng tiền từ kênh vốn ngắn hạn quay lại thị trường. Vì thế, thời điểm hiện tại thích hợp cho việc giải ngân vào các cổ phiếu có nền tảng tốt.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Smart Invest chia sẻ, chứng khoán, đầu tư công, ngân hàng là các nhóm cổ phiếu đáng quan tâm.
Ông Tuấn cho biết, lãi suất hạ khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào việc TTCK sẽ tăng trở lại. Mặt khác, các thông tin tiêu cực nhất gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nên dòng tiền đang có xu hướng tìm đến các cổ phiếu tăng trưởng.
Với cổ phiếu chứng khoán, không DN chứng khoán nào thua lỗ trong quý đầu năm 2023. Giai đoạn khó khăn đã qua, kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu thời gian tới có triển vọng khả quan.
Về nhóm ngân hàng, các cổ phiếu “vua” đã có giai đoạn giảm sâu rồi lình xình kéo dài khi đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn, hoãn nợ đã giải tỏa phần nào nỗi lo này.
Cùng với đó, lãi suất điều hành giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các DN có khả năng tiếp tiếp cận được vốn tín dụng và duy trì sản xuất. Theo đó, nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng sẽ được cải thiện, nợ xấu được kiềm chế.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu đầu tư công mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kỳ vọng từ phía nhà đầu tư rất lớn, trong bối cảnh đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế năm 2023.
Các yếu tố gây ra sự trì trệ trong việc giải ngân đầu tư công đang dần được giải quyết, dòng tiền giải ngân từ nay cho đến cuối năm dự kiến sẽ tăng mạnh, giúp các DN liên quan có nhiều việc làm, gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
“Giải ngân vốn đầu tư công liên quan nhiều hơn đến nội tại nền kinh tế. Nếu có thể tháo gỡ được những ách tắc trong nhiều năm, mà gần đây Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt như đẩy mạnh bàn giao mặt bằng, cơ chế chỉ định nhà thầu,…thì sẽ kéo theo rất nhiều ngành nghề có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đầu tư công. Giai đoạn này quan trọng nhất là dựa vào vấn đề nội tại nền kinh tế” - Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDirect Nguyễn Vũ Long đánh giá.
Dưới góc độ DN, Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm đánh giá, ngoài ngành bất động sản khu công nghiệp, thì nhóm xây dựng, nhất là các DN xây dựng nhà ở xã hội chắc chắn sẽ ổn định và có hoạt động kinh doanh tốt.
Theo ông Tâm, Chính phủ cam kết sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội từ đây đến năm 2030, tức mỗi năm hơn 100 ngàn căn, như vậy dòng vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm khoảng vài tỷ USD đổ vào đây. Vì thế, các ngành nghề khác có liên quan cũng sẽ tích cực. Ngành ngân hàng theo đó sẽ khởi sắc hơn rất nhiều. Ngành sản xuất hàng tiêu dùng được Chính phủ hỗ trợ mạnh (giảm bớt các loại thuế gồm VAT, làm sao hoàn thuế nhanh hơn...) cũng sẽ khởi sắc.
Để tiếp tục hỗ trợ DN và phát triển thị trường chứng khoán theo hướng chất lượng, bền vững, Việt Nam đang tích cực phấn đấu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi; kiên trì thực hiện tái cấu trúc thị trường dựa trên 4 trụ cột chính: cơ sở hàng hóa; tổ chức thị trường; cơ sở nhà đầu tư; và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương