Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư chứng khoán: Quản trị vốn và tìm điểm mua hiệu quả ra sao?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư chứng khoán thế nào để đạt hiệu quả, nhà đầu tư cần xây dựng một danh mục theo dõi quý và tháng. Chuyên gia phân tích chứng khoán tại Công ty Cổ phần chứng khoán SSI chia sẻ về tầm quan trọng của việc quản trị vốn và tìm điểm mua hiệu quả.

Xây dựng danh mục đầu tư

Sau khi nhà đầu tư (NĐT) đã có được danh mục các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, chúng ta cần phải tìm được thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu đó. Khi NĐT mua một cổ phiếu, chúng ta luôn kỳ vọng rằng cổ phiếu đó sẽ tăng giá ngay sau đó.

Khi NĐT mua vào và cổ phiếu vẫn tiếp tục đi ngang không tăng giá trong vòng 2 tháng, sau đó chúng ta rất chán nản và muốn bán ra. Sau khi bán thì cổ phiếu đó lại tăng giá.

Cổ phiếu tăng giá khi phá vỡ mô hình tam giác, đi kèm với khối lượng tăng đột biến. Ảnh nguồn SSI.
Cổ phiếu tăng giá khi phá vỡ mô hình tam giác, đi kèm với khối lượng tăng đột biến. Ảnh nguồn SSI.

Vậy làm sao để xác định được điểm mua vào là hợp lý nhất? Đó không có nghĩa là khi mua cổ phiếu có mức giá rẻ nhất, mà là khi cổ phiếu có cơ hội cao nhất để đạt được lợi nhuận cao. Vậy làm sao để phát hiện ra tín hiệu điểm mua vào tốt nhất đó?

Chuyên gia tại SSI Research cho biết: NĐT phải chú ý quan sát. Bởi, không có một cổ phiếu cơ bản nào có thể tăng mãi, cũng như giảm mãi được. Trong quá trình cổ phiếu tăng giá, nó có thể định kỳ điều chỉnh để hình thành các vùng giá tích luỹ củng cố - còn được gọi là các nền giá (bases) hay các mẫu hình biểu đồ (chart patterns).

Thời gian tích lũy này cần từ vài tuần đến vài tháng, mức cổ phiếu giảm giá có thể 20% - 30%. Trên thị trường chứng khoán luôn có các "tay to" hay còn gọi là Big boys, dòng tiền của họ là dòng tiền thông minh.

Sự gom hàng hay là bán ra của dòng tiền lớn này đều để lại dấu vết trên thị trường. Công việc của NĐT là hãy tìm những dấu vết đó, hay nói cách khác là "hãy theo dấu chân người khổng lồ".

Tìm thời điểm mua tốt nhất

Theo chuyên gia phân tích của SSI Research, NĐT tìm kiếm dấu hiệu những cổ phiếu có nền giá tốt với 5 đặc điểm sau đây: Một là, cổ phiếu có nền giá chặt chẽ, nền giá này được tạo thành thường cần từ 7 tuần đến vài tháng. Nền giá này có thể được tạo theo các mẫu hình như: cốc tay cầm, hình hộp chữ nhật, mẫu hình tam giác,...

Hãy quan sát nền và khối lượng ẩn chứa trong lúc hình thành mẫu hình, điều kiện cần lúc này là những phiên giảm giá đi cùng với khối lượng thấp, những phiên tăng giá đi cùng với khối lượng cao.

Hai là, sau khi tìm được các cổ phiếu đang có nền giá chặt chẽ, hãy quan sát chúng hằng ngày. Trong thời gian tạo mẫu hình thành công, cổ phiếu sẽ xuất hiện các điểm mua ngay trong nền giá trước khi phá vỡ.

Đây gọi là điểm mua Pocket Pivot - đó là những phiên mà tại đó giá cổ phiếu tăng mạnh (thường trên 2%) với khối lượng lớn (cao hơn khối lượng của phiên giảm điểm có khối lượng lớn nhất trong 10 ngày trước đó). Đây là điểm mấu chốt, thể hiện cho hành động mạnh mẽ, thúc đẩy giá cổ phiếu tăng ở thời gian sau đó.

Ba là, điểm mua đầu tiên giá cổ phiếu phải cao hơn giá trung bình 50 phiên trước đó, lúc này thể hiện cổ phiếu đang trong xu hướng tăng giá.

Bốn là, gia tăng vị thế tiếp theo khi giá cổ phiếu phá vỡ mô hình trước đó. Đôi khi điểm mua Pocket Pivot trùng với điểm phá vỡ, lúc này cũng cố hơn cho sức mạnh tăng giá của cổ phiếu.

Năm là, mua đủ vị thế cho một cổ phiếu bằng 2 đến 3 lần mua và mua theo mô hình kim tự tháp: Tỷ trọng 50% - 30% - 20% hoặc 70% - 30%.

Cụ thể nhất, đó là cổ phiếu TPB ở giai đoạn tháng 6 đến tháng 9 năm 2021. Trong đó, từ tháng 5/2021 đến tháng 6/2021, TPB đã có 1 đợt tăng giá hơn 40%, sau đó bước vào giai đoạn tích lũy xây nền giá theo mô hình tam giác. Thời gian tích lũy khoảng 3 tháng, từ 6/2021 đến 9/9/2021.

Trong khoảng thời gian này, TPB đã xuất hiện điểm mua trong nền giá - Pocket Pivot vào ngày 7/9/2021, sau đó 2 ngày xuất hiện tiếp điểm mua phá vỡ mô hình tam giác.

Đầu tư chứng khoán: Quản trị vốn và tìm điểm mua hiệu quả ra sao? - Ảnh 1Điểm mua nền giá tạo ở mô hình cốc tay cầm. Ảnh: Nguồn SSI.

Hay là HTN, cổ phiếu này đã tạo mô hình cốc tay cầm trong khoảng thời gian 7 tháng. HTN đã có xuất hiện phiên Pocket Pivot vào ngày 12/8/2021 đi cùng với khối lượng cao đột biến. Tiếp theo đó, HTN tăng giá về vùng đỉnh cũ, và điều chỉnh tiếp, tạo tay cầm.

Độ biến động giá trong phần tay cầm rất chặt, biến động nhỏ và nằm trên MA50. Ngày 14/10/2021, HTN chính thức phá vỡ mô hình cốc tay cầm và sau đó là một đợt tăng giá mạnh mẽ.

Bản chất thị trường chứng khoán là sự lặp lại vì sự tham lam và sợ hãi của NĐT là không thay đổi. Do đó, NĐT chỉ cần tìm kiếm được những cổ phiếu tốt đang trong giai đoạn tích lũy, quan sát nó hàng ngày và đợi tín hiệu của dòng tiền lớn.

Sự xuất hiện của phiên Pocket Pivot hay Break out (điểm mua phá vỡ) và giải ngân vào những phiên này. Điểm mua tốt nhất không phải là điểm mua với giá thấp nhất, mà là tại đó, cổ phiếu có xác suất tăng giá lớn nhất.

Tuy nhiên, không ít NĐT thường ngại mua ở những phiên Pocket Pivot và Break out. Thường những phiên này, giá cổ phiếu đều phải tăng mạnh hoặc tăng trần, tâm lý ngại mua giá cao, nhưng đó lại là các điểm mua đẹp nhất và tiết kiệm được chi phí thời gian chờ đợi của chúng ta nhất.