Khách hàng theo dõi thông tin giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Nhiều điểm sáng hỗ trợ thị trường
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố bên ngoài và nội tại, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá có những điểm thuận lợi và thách thức trong 3 tháng cuối năm.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá, xét yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài, xu hướng nới lỏng tiền tệ đang diễn ra rộng khắp trên quy mô toàn cầu. Điều này giúp cho dòng tiền dồi dào hơn và có khả năng quay lại khu vực mới nổi. Vì vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nhờ tăng trưởng cao và vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, sự suy yếu của nền kinh tế thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những căng thẳng địa chính trị là các yếu tố khiến thị trường biến động mạnh và khó lường.
Giới chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên tập trung hơn đến việc chọn lọc cổ phiếu. Về dài hạn, nhà đầu tư cần chú ý đến các DN có hoạt động kinh doanh gắn liền với sự tăng trưởng từ tiêu dùng và đầu tư trong nước. |
Về mặt nội tại, tăng trưởng kinh tế mạnh và kinh tế vĩ mô ổn định hỗ trợ tích cực cho hoạt động đầu tư. Những kỳ vọng nâng hạng thị trường, hoạt động thoái vốn cổ phần hóa và cải cách thị trường đúng thời điểm sẽ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế. Kết quả kinh doanh quý III sẽ là thông tin tích cực trong ngắn hạn, hỗ trợ thị trường vượt qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Cùng quan điểm này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, bối cảnh vĩ mô trong nước tích cực có thể hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các DN trên sàn. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 6,98%, ở mức cao nhất trong 9 năm qua so với cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục ở mức thấp khi chỉ đạt 2,5% và thấp hơn nhiều mục tiêu của Chính phủ. Vốn FDI đăng ký và giải ngân ghi nhận tăng tích cực trong tháng 9/2019 khi tăng lần lượt là 47% và 60% so với cùng kỳ.
Đầu tư chọn lọc
Khảo sát của các chuyên gia VDSC đối với nhóm cổ phiếu trong VN30 cho thấy, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu. Trong đó, các cổ phiếu dẫn đầu trong một số nhóm ngành đã tăng trưởng tốt sau 6 tháng như ngân hàng, bất động sản và bán lẻ. Đây cũng là nhóm ngành có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan. VDSC cho rằng, kết quả kinh doanh quý II đã ảnh hưởng khá nhiều đến diễn biến thị trường trong những tháng sau đó.
Với dự báo kết quả kinh doanh quý III tiếp tục khả quan ở các cổ phiếu dẫn đầu trong các nhóm ngành quan trọng, các chuyên gia đánh giá, thị trường thời gian tới có thể diễn biến khá tích cực. Thị trường có xác suất vượt ngưỡng 1.000 điểm, tuy nhiên, khả năng duy trì trên mốc này vẫn đối diện nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền ngoại vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại trong tháng 10. Vì thế, VDSC đề cao việc chọn lọc cổ phiếu nhiều hơn. DN có hoạt động kinh doanh gắn liền với sự tăng trưởng từ tiêu dùng và đầu tư trong nước là những DN mà nhà đầu tư với mục tiêu nắm giữ dài hạn có thể xem xét.
Một số kịch bản đã được các công ty chứng khoán đưa ra cho thị trường tháng 10. Trường hợp tích cực, VN-Index đóng cửa trên 1.000 điểm vào cuối năm (điều chỉnh tăng so với mức 980 điểm trong báo cáo 6 tháng). Xu hướng vẫn vận động quanh các mã cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu hết room nằm trong bộ chỉ số mới kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại mới. Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể giảm dưới 960 điểm khi gặp nhiều thông tin bất lợi từ thế giới và dòng vốn quốc tế chưa đủ sức lan tỏa đến các thị trường.