Đầu tư chứng khoán: Tìm cơ hội giữa "bão giông"

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có nhiều diễn biến tiêu cực, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khá lạc quan với triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) 6 tháng cuối năm.

Điểm sáng trên bức tranh màu xám

6 tháng đầu năm 2022, sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh trong những tháng tiếp theo. Tâm lý tiêu cực lan rộng khiến chỉ số VN-Index giảm xuống 1.197,6 điểm, giảm -20,5% so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Tạ Thanh Bình, TTCK Việt Nam từ nay tới cuối năm vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi các yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô ổn định, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam còn nhiều yếu tố hỗ trợ mang đặc trưng riêng so với nhiều thị trường khu vực, như: Kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh... Đây là những yếu tố có thể tạo ra lợi thế so sánh cho TTCK Việt Nam để thu hút vốn ngoại mạnh mẽ khi những khó khăn trên toàn cầu qua đi. Sẽ không có sự tăng trưởng với tốc độ cao ở hầu hết nhóm ngành như giai đoạn trước đó mà thay vào đó là sự ổn định, bền vững hơn.

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội
Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội

Cũng đưa ra cái nhìn lạc quan về TTCK Việt Nam trong dài hạn, ông Michael Kokalari - chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital đánh giá, TTCK Việt Nam còn rất nhiều cơ hội chờ đợi phía trước. Với những yếu tố hỗ trợ như làn sóng bán tháo do các lệnh ký quỹ đã kết thúc, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ được triển khai tích cực, đặc biệt là tâm lý bi quan trên thị trường đã giảm bớt, TTCK Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 20% trong năm nay.

“Sự phục hồi gần đây của VN-Index được thúc đẩy bởi tâm lý bi quan trên TTCK toàn cầu đã giảm bớt, cũng như nhà đầu tư đã bớt lo ngại về một số yếu tố cụ thể của Việt Nam. Quan trọng hơn, chúng tôi ước tính rằng số dư ký quỹ đang lưu hành đã giảm khoảng 30%, điều này giúp loại bỏ nguồn áp lực bán tháo mạnh, mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường” - ông Michael Kokalari phân tích.

Ở góc nhìn của công ty chứng khoán, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng tin tưởng, VN-Index sẽ được kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm nay. Tương ứng vùng hệ số giá trên lợi nhuận một số phiếu hợp lý từ 12,8 - 15,1 lần. VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 - 1.530 điểm trong nửa cuối năm.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại đã có xu hướng mua ròng trong 6 tháng đầu năm được xem là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. Điều này phần nào củng cố thêm nhận định chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

“Tương lai của TTCK Việt Nam khi nhìn vào chính sách của Chính phủ, sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước… Các quyết định thanh lọc thị trường sẽ phát huy tác dụng trong dài hạn, cơ hội trong dài hạn còn rất nhiều, yếu tố tiêu cực chỉ là thứ yếu. TTCK đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc tăng mạnh ở đỉnh. Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức khá thấp và nhiều ngành nghề cũng” - ông Nguyễn Duy Hưng tin tưởng.

Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước

Th.S Phạm Tiến Đạt - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đưa ra khuyến nghị, với việc đan xen cả thời cơ và thách thức, việc phát triển TTCK phụ thuộc vào yếu tố cả trong nước và quốc tế. Trong đó, các giải pháp phù hợp, tích cực và hiệu quả của các cơ quan quản lý thị trường đóng vai trò quan trọng.

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK. Tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công bố thông tin như quy định về công bố báo cáo tài chính của các DN niêm yết, các thông tin giao dịch của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK như quy định về xử phạt, xác định mức độ thiệt hại, quy định điều kiện kiện tập thể theo hướng nâng cao mức xử phạt, tăng tính răn đe, đồng thời, tạo cơ chế xác định cụ thể cho việc xử lý vi phạm cũng như mức độ bồi thường thiệt hại.

Hệ thống pháp luật cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình phát triển các hoạt động mới của TTCK, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện các quy định hướng dẫn về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng, công ty niêm yết; về tự do hóa tài khoản vốn và kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; mở rộng việc phát triển các công cụ phái sinh niêm yết trên SGDCK dựa trên tài sản cơ sở là hàng hóa, lãi suất và tỷ giá.

Mặt khác, cần tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát, nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với TTCK. Xây dựng cơ chế, quy trình giám sát phù hợp, hiệu quả đặc biệt là giám sát với các hành vi thường xảy ra vi phạm như công bố thông tin, giao dịch nội gián, giao dịch “chui”, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thƣờng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Đồng quan điểm này, ông Michael Kokalari cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi cho các NĐT cần được xây dựng đồng bộ với các công cụ từ pháp luật, tài chính và giáo dục tài chính, trong đó, công cụ pháp luật là quan trọng nhất. Song song với đó, cần cải thiện chất lượng cầu đầu tư. Nghiên cứu các giải pháp về ưu đãi thuế, tín dụng nhằm thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, DN bảo hiểm…