Đầu tư chứng khoán trước “tâm bão” thuế quan: Chờ đợi hay hành động?
Kinhtedothi- Căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rung lắc dữ dội. Việt Nam với độ mở kinh tế lớn, không nằm ngoài tâm bão. Phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử của VN-Index diễn ra chỉ sau một thông báo từ chính quyền Tổng thống Mỹ về việc áp thuế ở mức cao đột ngột- một cú sốc được giới chuyên gia gọi là “Thiên Nga đen” của năm 2025.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia nhà đầu tư cần theo sát từng diễn biến đàm phán quốc tế, đánh giá lại nền tảng vĩ mô trong nước và tái cấu trúc danh mục đầu tư với tầm nhìn dài hạn, thay vì phản ứng cảm tính theo nhịp giảm.
Nỗ lực đàm phán, thích ứng
Trên trường quốc tế, các quốc gia chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ đang tích cực đối thoại, tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Việt Nam cũng đang thể hiện thiện chí cao độ.

Ảnh minh hoạ
Mới nhất, tối 7/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để cập nhật tình hình với các diễn biến mới, tiếp tục thảo luận về các giải pháp sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, đề nghị phía Hoa Kỳ hoãn áp thuế với Việt Nam ít nhất là 45 ngày để đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái; đồng thời tiếp cận và đàm phán với phía Hoa Kỳ để có thỏa thuận song phương, tiến tới cân bằng thương mại bền vững, có lợi cho cả hai bên, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, có lợi cho người tiêu dùng hai bên, không ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trước đó, tối 4/4 (giờ Việt Nam), gần 200 doanh nhân Việt Nam đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, hàng không, năng lượng, công nghệ và xuất nhập khẩu đã đến Hoa Kỳ, mở đầu cho chuỗi hoạt động kết nối, tìm hiểu cơ hội và thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nền kinh tế. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần chủ động của khối doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cho thấy quyết tâm tiếp cận thị trường chiến lược và đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế song phương.
Hoa Kỳ hiện là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh hiện diện tại thị trường này thông qua các hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực mũi nhọn như hàng không, công nghệ cao, năng lượng và dịch vụ tài chính.
Chỉ trong tháng 3/2025, doanh nghiệp hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại với tổng giá trị hơn 90 tỷ USD, trong đó hơn 50 tỷ USD dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2025, tập trung vào các lĩnh vực như mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí và nhập khẩu sản phẩm lọc hóa dầu.
Những nỗ lực đàm phán của Việt Nam và sự chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp là điểm sáng hỗ trợ tích cực thị trường chứng khoán trong nước. Theo ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Chứng khoán SSI, dù thị trường đang thiếu niềm tin trong ngắn hạn, nhưng "niềm tin vào tiềm năng nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn". Điều này phần nào giúp nhà đầu tư bình tĩnh hơn giữa tâm bão, đặc biệt khi các chính sách điều hành của Chính phủ được kỳ vọng sẽ nhanh chóng thích ứng để ổn định tâm lý thị trường.
Đầu tư trong “giông tố”: Phân hóa và lựa chọn giá trị
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SHS đánh giá, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh về vùng giá quanh 1.200 điểm- mức đáy của năm 2024 và cũng là đỉnh cao năm 2018. Với áp lực bán giải chấp có thể còn kéo dài, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh theo nhóm ngành và chất lượng doanh nghiệp.
Các công ty chứng khoán như SHS và MBS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi, đồng thời tận dụng cơ hội để tích lũy các mã đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế. Ngắn hạn, quản trị rủi ro là ưu tiên hàng đầu. “Trong ngắn hạn, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính, lẽ thông thường. Đây là áp lực lớn, bất ngờ đối với nền kinh tế, cũng như nhà đầu tư. Dẫn đến thị trường có phiên giao dịch, bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên đến. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Cần ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế”- chuyên gia SHS khuyến nghị.
Về các nhóm ngành được khuyến nghị, MBS cho rằng, thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn. Với nhận định nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp, các nhóm ngành như bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng.