Đầu tư chứng khoán: Vững tay chèo giữa giông bão

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia phân tích, thông tin tiêu cực về DN và lãnh đạo chắc chắn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán (TTCK).

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần bình tĩnh để hành động có lý trí nhiều hơn là cảm xúc. Phía các cơ quan chức năng cũng đang có nhiều giải pháp để giám sát và minh bạch thị trường.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  
Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  

Kinh tế vĩ mô, yếu tố nội tại thị trường vẫn tốt

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Trần Văn Dũng cho biết, TTCK được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện, thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực.

Các thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết do đó cũng khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo người đứng đầu UBCK, những tác động đó đến thị trường chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường (lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường).

“Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các DN để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư”- ông Dũng nói.

Cùng quan điểm, các chuyên gia phân tích cho rằng, những tác động của thông tin thiếu tích cực đến thị trường là không tránh khỏi. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực chỉ diễn ra ngắn và nhanh chóng qua đi. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc, xét về định lượng thì nhóm cổ phiếu thuộc “họ FLC” chỉ chiếm khoảng gần 1% về lượng cổ phiếu niêm yết, chiếm gần 0,35% về vốn hóa thị trường, và chiếm hơn 2,3% về giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2021 cho tới nay. Chính vì thế mà về tác động trực tiếp tới thị trường chung về định lượng cũng là không lớn.

Về nỗi lo các khoản nợ của FLC, chuyên gia Phan Linh - Công ty CP Take Profit phân tích, nếu nhìn con số tuyệt đối thì Sacombank và BIDV (Sacombank cho FLC vay khoảng 1.850 tỷ, BIDV cho vay khoảng 1.747 tỷ) thì có thể lớn. Tuy nhiên, so sánh với tổng dư nợ và vốn chủ của 2 ngân hàng này thì là con số rất bé.

Ngoài ra, các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo nên trong trường hợp xấu nhất các ngân hàng vẫn có thể siết nợ bằng các bất động sản hay những dự án của DN. “Với những khoản cho vay cầm cố bằng cổ phiếu, thường quy mô dư nợ nhỏ và giá tính tài sản đảm bảo đối với các cổ phiếu này cũng rất thấp chứ không theo giá thị trường trên bảng giá nên không đáng lo” - ông Linh cho hay.

Thực tế, dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan, nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt. Theo các số liệu chính thức vừa được công bố, trong quý I/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.

Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của DN vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: Dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh…

Tăng niềm tin, minh bạch, kỷ luật thị trường

Theo đánh giá của giới phân tích và nhà đầu tư, các động thái mạnh tay xử phạt các hành vi lũng đoạn thị trường vừa qua cho thấy sự quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc minh bạch thị trường và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp cho TTCK Việt Nam chuyên nghiệp hơn và từng bước hướng đến mục tiêu nâng hạng.

Mới nhất, ngày 30/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm TTCK hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, TTCK trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và TTCK, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.

Về phía cơ quan quản lý, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp quan trọng để TTCK phát triển ổn định, lãnh đạo UBCK khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới. Dưới góc độ thị trường, việc xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường được đánh giá là tín hiệu tốt về trung - dài hạn, góp phần làm trong sạch và minh bạch hơn, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Liên quan tới vụ việc này, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của TTCK.

Theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo tính công bằng, minh bạch của TTCK. UBCK khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các DN để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần