Góc nhìn từ các nhóm ngành
Hơn một nửa thời gian của quý 1/2022 đã trôi qua, thị trường chứng khoán đã có nhiều biến động lớn do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu đầu cơ, thêm vào đó là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư (NĐT) trước và sau dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp (DN) niêm yết hầu như cũng đã hoàn thành việc công bố báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) cho kỳ quý 4 và cả năm 2021.
Đã có 56% DN công bố báo cáo KQCK tương đương 95% vốn hóa toàn thị trường. Trên toàn thị trường, có 795 doanh nghiệp báo lãi, trong đó 607 đơn vị ghi nhận lãi tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Với riêng HOSE, có 339/369 công ty báo lãi, trong đó có 220 đơn vị có lãi ròng tăng trưởng theo năm.
Cụ thể, theo phân tích của SSI, nhóm ngân hàng, 100% các đơn vị đã công bố KQKD năm 2021, tiếp tục dẫn đầu về quy mô lợi nhuận đóng góp và đạt mức tăng trưởng 6,8%/năm, do nhu cầu tín dụng bị hạn chế trong mùa dịch. Năm 2022 có thể là một năm tích cực hơn từ các yếu tố như: Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ mạnh hơn từ cả phía cung và cầu; các dịch vụ phí tăng mạnh từ thanh toán. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng vẫn là một vấn đề lớn, sẽ là rủi ro cho ngân hàng yếu kém nhưng là cơ hội cho ngân hàng tốt, cho thấy sự phân hóa mạnh.
Nhóm bán lẻ đã có 97% DN công bố, ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất về lợi nhuận quý 4/2021 nhờ nỗ lực hồi phục hoạt động kinh doanh sau dịch, với mức tăng 143,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, DN có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất là FRT.
Nhóm BĐS: Năm 2021 là một năm tăng giá mạnh của các cổ phiếu BĐS dân cư, nên tiềm năng tăng giá của ngành trong giai đoạn này có thể không còn nhiều, ngoại trừ các doanh nghiệp BĐS dân cư được hỗ trợ bởi yếu tố khác như HDG có tham gia mảng điện.
Trong khi 2021 ghi nhận giá thuê đất tại khu công nghiệp tăng tích cực, nên 2022 có thể là một năm mà các công ty phát triển khu công nghiệp tiếp tục có triển vọng khả quan nhờ ký kết các hợp đồng cho thuê mới; xu hướng chuyển dịch FDI vẫn còn tiếp tục phát triển khi Việt Nam đẩy mạnh sản xuất hậu Covid-19.
Nhóm Chứng khoán (Dịch vụ tài chính): Thị trường 2022 được dự đoán sẽ có nhiều biến động hơn so với năm ngoái nên có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của khối tự doanh. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường có thể vẫn duy trì ở mức trên dưới 30 nghìn tỷ mỗi phiên.
Nhóm Thép: Tuy chiếm tỷ trọng không nhiều, nhưng nhóm này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tâm lý thị trường. Lợi nhuận các công ty trong ngành có thể đã đạt đỉnh trong năm 2021. Các công ty thép ước tính có thể có tăng trưởng lợi nhuận âm trong 2022 khi giá thép giảm.
Đầu tư vào đâu cho sinh lời?
Giai đoạn quý 3 và quý 4/2021 vừa qua, nhóm bất động sản (BĐS) đã đem đến nhiều khoản lợi nhuận cho NĐT nhưng cũng có không ít thiệt hại khi tính đầu cơ đã bị nâng lên quá cao. Dựa trên cơ sở phân tích những nhóm ngành kể trên, SSI đánh giá sơ bộ thị trường trong giai đoạn tới, nổi bật vẫn sẽ là ngân hàng, BĐS, chứng khoán và tiêu dùng.
Một thị trường muốn có xu hướng tăng ổn định thì cần phải có một nhóm ngành đủ lớn và đủ mạnh để dẫn dắt và tạo tâm lý cho NĐT. Nhìn lại giai đoạn cuối 2020 – đầu 2021, thị trường nương tựa vào thép, ngân hàng, chứng khoán để tăng trưởng. NĐT chỉ cần mua bất kỳ mã nào thuộc các nhóm này đều có lời, chẳng cần nghiên cứu nhiều.
Tuy nhiên, năm 2022 hiện chưa thấy được nhiều điểm sáng của các nhóm ngành để có thể dẫn dắt thị trường tăng mạnh mẽ. Vì vậy, có thể giai đoạn tới, thị trường sẽ đi ngang với những nhịp tăng giảm đan xen. Không quá khó khăn, nhưng cũng không còn dễ dàng cho NĐT.
Chính vì vậy, số lượng cổ phiếu triển vọng tốt sẽ không còn quá đại trà như giai đoạn trước, mà cần nhiều hơn sự chắt lọc, đòi hỏi nhiều hơn ở kiến thức của NĐT.
Đối với ngành ngân hàng, sẽ bị phân hóa, do vậy NĐT cần chọn lọc những cổ phiếu của đơn vị tăng trưởng tốt về tín dụng, dịch vụ bán lẻ và kiểm soát được rủi ro ở mức an toàn.
Đối với nhóm BĐS, chuyên gia của SSI có quan điểm khả quan với cổ phiếu của các đơn vị BĐS khu công nghiệp.
Đối với các DN ngành chứng khoán, do biên độ lợi nhuận năm 2021 đã tăng khá mạnh. Thị trường chứng khoán năm 2022 khó bứt phá mạnh nên các DN ngành này chỉ được đáng giá ở mức trung lập.
Nhóm bán lẻ, khi kinh tế tăng trưởng, thúc đẩy DN bán lẻ tăng doanh thu bán hàng, do đó SSI vẫn đặt triển vọng ngành này sẽ tiếp tục tích cực trong năm nay.
Còn với ngành thép, nếu các DN không có những mảng miếng đầu tư mới mà chủ yếu tập trung vào sản xuất sản phẩm sẵn có. Trong khi giá thép có thể giảm, cổ phiếu ngành thép dù đang ở mức giá thấp, do đó chuyên gia của cả SSI và VNDIRECT Research đều nhận định dù đã rẻ, nhưng có thể là chưa đủ hấp dẫn, hoặc kém khả quan.