Đầu tư giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm: Doanh nghiệp thờ ơ vì vướng chính sách

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, thị trường tiêu thụ ở nhóm đứng đầu cả nước, song hiện nay trên địa bàn Hà Nội vẫn rất ít DN đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm (GSGC). Nếu không được gỡ vướng từ chính sách nguồn vốn, đất đai, ngành công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm GSGC của Thủ đô khó có thể phát triển bền vững.

Dây chuyền giết mổ gia cầm công nghiệp tại Công CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh
Khó tiếp cận chính sách
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTN Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có 400 cơ sở hoạt động chế biến thực phẩm, nông sản và 749 cơ sở giết mổ GSGC nhưng chỉ có 7 cơ sở hoạt động theo hướng công nghiệp gắn với chế biến. Theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP, các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC công nghiệp, bán công nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con GSGC ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba.
Từ năm 2018 đến nay, TP đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho một số cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm GSGC. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, số DN được hưởng chính sách còn khiêm tốn vì chưa đáp ứng đủ các điều kiện về số lượng GSGC giết mổ, chế biến cũng như các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hoặc chưa nằm trong quy hoạch của TP.
Đáng nói, mặc dù TP đã quy định cụ thể mức hỗ trợ, song thực tế, các DN vẫn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Hiền cho hay, theo quy định, TP chỉ hỗ trợ sau khi các cơ sở giết mổ, chế biến đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn, đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến sản phẩm GSGC hoàn chỉnh chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Còn theo Giám đốc Công ty CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho DN thuê đất nhưng chỉ ký hợp đồng 5 năm. Trong khi đó, sức tiêu thụ sản phẩm sau chế biến tại Hà Nội còn hạn chế. 
Cần thêm cơ chế hỗ trợ
Để tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ đề xuất, thay vì hỗ trợ sau đầu tư, TP có các chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất cho DN ngay từ khi xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến GSGC. Còn Giám đốc Công ty CP Lan Vinh Nguyễn Thị Lan cho rằng, Sở NN&PTNT Hà Nội cần đề xuất với TP để DN giết mổ, chế biến GSGC được thuê đất ít nhất trong 10 năm, từ đó DN mới yên tâm đầu tư.
Ngoài việc tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, đất đai để hình thành hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm GSGC theo hướng công nghiệp gắn với chuỗi khép kín, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về ưu thế của sản phẩm GSGC đã qua chế biến công nghiệp. Từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm GSGC của Thủ đô phát triển.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở sẽ rà soát, tham mưu với TP tháo gỡ những vấn đề về cơ chế, chính sách nguồn vốn để khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến GSGC và xây dựng chuỗi khép kín. Về phía các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho việc xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung trên địa bàn theo quy hoạch. Từ đó, bảo đảm thuận tiện trong việc gắn kết những cơ sở này với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.
Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ GSGC, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết, gắn kết cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo thành quy trình đồng bộ từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương