Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 ghi nhận nhiều dấu ấn đậm nét cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Thủ đô.

Bên cạnh thành công, còn có những khó khăn, thách thức nhưng điều quan trọng nhất là Hà Nội đã mở ra những hướng đột phá chính xác cho một chu kỳ mới đầu tư, hoàn thiện mạng lưới GTVT.

Đầu tư cho hạ tầng là khâu đột phá

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa; là một trong những điểm sáng phát triển của cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, TP đã phải đối diện với tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông do hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa bắt kịp tốc đô thị hóa, gia tăng dân số cũng như lượng phương tiện cá nhân.

Hầm chui Lê Văn Lương đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh Hoàng Hải
Hầm chui Lê Văn Lương đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh Hoàng Hải

TP có khoảng 7,9 triệu dân, chưa kể người ngoại tỉnh đến làm ăn sinh sống, học tập; với hơn 7,6 triệu phương tiện chưa tính các phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, xe công, xe ngoại tỉnh, xe đạp...

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, TP hiện có 23.591km đường các loại. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị dành cho giao thông tĩnh mới đạt hơn 1%; năng lực của VTHKCC đáp ứng được trên 30% nhu cầu đi lại nhưng chỉ thu hút được khoảng 17,8% số chuyến đi toàn TP. Đa phần người dân vẫn giữ thói quen đi lại bằng xe cá nhân khiến áp lực lên hệ thống hạ tầng của Hà Nội ngày càng nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng cũng như nội vùng, làm tốt một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Chưa khi nào Thủ đô có một dự án giao thông được quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, huy động đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt như dự án này.

Để đảm bảo tiến độ khởi công siêu dự án có tổng mức đầu tư lên đến trên 83.000 tỷ đồng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban chỉ đạo chung của toàn dự án. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đã đôn đốc, sát sao đến từng phần việc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành liên quan từ khâu khảo sát lập dự án cho đến nay là giải phóng mặt bằng (GPMB). Dù khối lượng công việc rất lớn nhưng Hà Nội đã bắt đầu tiến hành GPMB, cam kết bàn giao 70% khối lượng cho dự án vào tháng 6/2023, 100% vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông quan trọng của TP đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Hầm chui Lê Văn Lương, Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… Hàng loạt dự án giao thông khác có vai trò đặc biệt với sự phát triển của Thủ đô đã được khởi động hoặc sắp về đích như: Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; hầm chui Kim Đồng; cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2; tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3 Nhổn – Ga Hà Nội...

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, để có được một chiến dịch phát triển hạ tầng giao thông quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội đã đầu tư toàn diện cả về tài chính, cơ chế, chính sách. “Trong đó quan trọng hơn cả là nguồn lực đặc biệt từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, sát sao, quyết liệt của Thành ủy, UBND TP. Nếu không có sự đôn đốc, đồng hành của lãnh đạo TP, nhiều dự án sẽ còn lay lắt rất lâu nữa do vướng mắc về cơ chế hoặc GPMB” – thạc sĩ Phan Trường Thành nói.

Vận tải công cộng hoạt động hiệu quả

Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: “Năm 2022 mạng lưới VTHKCC của Hà Nội không chỉ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 mà còn tạo nên rất nhiều điểm nhấn quan trọng”. Trong đó đáng nói nhất là việc đưa vào hoạt động ổn định, an toàn tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông.

Sau một năm vận hành, tuyến ĐSĐT này đã cho thấy hiệu quả rất cao, thu hút hơn 7,2 triệu lượt hành khách; ý nghĩa hơn nữa là đã góp phần tích cực làm thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của bộ phận không nhỏ người dân. Đoạn tuyến trên cao ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội cũng sắp đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Tây TP.

Cùng với tàu điện, xe buýt điện (Vinbus) cũng đã có một năm thành công, gây được tiếng vang lớn với chất lượng phương tiện cũng như dịch vụ tốt, khiến hình ảnh xe buýt Hà Nội đẹp hơn, hấp dẫn hơn trong mắt người dân. Bên cạnh đó, sự xuất hiện lần đầu tiên của xe đạp điện, xe đạp công cộng cũng đã tạo nên tiền đề tích cực để Hà Nội tiếp tục tập trung đầu tư cho loại hình phương tiện công cộng xanh, kết nối người dân với mạng lưới VTHKCC, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển chia sẻ: “Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển VTHKCC do đô thị đông dân cư, phương tiện, đường sá nhiều nơi nhỏ hẹp. Việc phát triển các loại hình phương tiện nhỏ kết nối với tàu điện, xe buýt là bước đột phá chiến lược để tối ưu mạng lưới VTHKCC, vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân mạng lưới VTHKCC Hà Nội chưa hoạt động hết công suất, chưa hấp dẫn đa số người dân là do khó tiếp cận. Khi có xe đạp công cộng, xe điện nhỏ trung chuyển trong khu vực hẹp, đưa người dân đến với nhà ga, nhà chờ xe buýt dễ dàng, thuận tiện hơn, VTHKCC Hà Nội sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, từng bước thay thế xe cá nhân.

2022 cũng là năm Hà Nội dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức giao thông. 8/35 “điểm đen” ùn tắc giao thông của TP đã được xóa nhờ tổ chức lại giao thông, trong đó có những điểm gây bức xúc kéo dài cho người dân như: Ngã Tư Sở; nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng…

Tồn tại lớn nhất Hà Nội cần giải quyết sớm trong năm 2023 và những năm tiếp theo là di dời các cơ sở tập trung đông người ra khỏi lõi đô thị. Trên địa bàn TP có khoảng 43 bệnh viện tuyến T.Ư và TP; khoảng 2.500 trường học từ bậc mầm non đến đại học; 56.202 cơ quan... Một phần lớn trong số này nằm sâu tại nội đô, là một trong những tác nhân chính gây UTGT, quá tải hạ tầng.

“Muốn di chuyển các cơ sở này ra ngoại thành, TP cần tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho mạng lưới hạ tầng giao thông, VTHKCC khu vực nông thôn, ngoại thành, đặc biệt là tại 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô” - thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định.

 

Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô dài 112,8km, đi qua ba địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng.

Hà Nội đã kết thúc năm 2022 với những điểm sáng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, VTHKCC. Nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Nhân dân Thủ đô cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần