Ảnh minh hoạ Internet |
Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, các lĩnh vực nổi bật của đầu tư nước ngoài tại Hà Nội bao gồm: Sản xuất, chế biến chế tạo với mức vốn đăng ký khoảng 332 triệu USD; Hoạt động chuyên môn khoa học với mức vốn đăng ký khoảng 156 triệu USD và Bán buôn, bán lẻ với mức vốn đăng ký khoảng 120 triệu USD. Các quốc gia đầu tư nhiều vào Hà Nội gồm Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh...
Tuy tình hình kinh tế tại Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư vẫn hoạt động có hiệu quả và tiếp tục đăng ký tăng vốn đầu tư như Dự án Đầu tư năng lượng tái tạo Cư Né (tăng 176 triệu USD), Dự án Năng lượng gió Krongbuk (tăng 165 triệu USD), Dự án Dược phẩm B.Braun (tăng 5,5 triệu USD).
Theo Sở KH&ĐT, trong các tháng cuối năm, sau khi giảm bớt mức độ giãn cách xã hội, TP sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án lớn, hiện thực hóa các Bản ghi nhớ và các dự án đã được kêu gọi đầu tư trong các năm vừa qua.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên kinh tế thế giới là một thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các giải pháp của Chính phủ, Bộ ngành và TP hiện đang có hiệu quả, có tác động tích cực tới việc kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Thủ đô.
Hà Nội được đánh giá là địa phương năng động trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để tham mưu UBND TP các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đảm bảo là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư, cụ thể: Chú trọng cải cách hành chính, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính; Tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; Chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề cao, mặt bằng và năng lượng để đón đầu dòng vốn dịch chuyển mới; Tăng cường ưu đãi đầu tư, có chính sách ưu đãi cho các ngành nghề đầu tư ưu tiên, đặc biệt cho các doanh nghiệp về công nghệ và chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ.