Đầu tư ở đầm An Khê, cân nhắc cẩn trọng từ mọi mặt

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầm An Khê là điểm gắn kết chặt chẽ với di sản văn hoá Sa Huỳnh. Chính vì vậy, mọi công trình, hoạt động đầu tư xây dựng phát triển có tác động lên hệ sinh thái này đều cần xem xét, cân nhắc cẩn trọng từ mọi mặt.

Đây là ý kiến của PGS.TS Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, chuyên gia về môi trường tại hội nghị tham vấn về giá trị của văn hóa Sa Huỳnh và đánh giá tác động dự án nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê (thị xã Đức Phổ), được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào chiều 1/7.

Quang cảnh hội nghị tham vấn.
Quang cảnh hội nghị tham vấn.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, đầm An Khê là hệ sinh thái đất ngập nước, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc duy trì đa dạng sinh học trong khu vực. Về nguyên lý phát triển, hệ sinh thái đầm An Khê giống như quả trứng. Nếu phá vỡ vỏ trứng bởi nội lực từ trên trong, sự sống sẽ được bảo tồn và phát triển tốt ngay khi ra ngoài.

Ngược lại, nếu sử dụng ngoại lực tác động để phá vỡ vỏ trứng, sự sống có thể bị tổn thương hoặc kết thúc. Do đó, với đầm An Khê, việc cần làm bây giờ là nâng cao năng lực cộng đồng để thực hiện đồng quản lý hệ sinh thái.

PGS.TS Võ Văn Minh phát biểu tại hội nghị.
PGS.TS Võ Văn Minh phát biểu tại hội nghị.

“Đầm An Khê là một mắt xích quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn văn hoá lịch sử. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như hội nhập quốc tế, đầm An Khê cần được bảo tồn các giá trị theo chiều sâu và cần được kết nối trong không gian rộng” - PGS.TS Võ Văn Minh nêu quan điểm.

Còn theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, đang có mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển. Đầm An Khê có vai trò quan trọng trong sinh kế cộng đồng, cũng là nơi tạo điều kiện cho nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ, không ở đâu có. Trách nhiệm của Quảng Ngãi đối với nền văn hóa này là rất lớn.

"Điện mặt trời chắc chắn không bền vững. Sau hơn chục năm, việc giải quyết số pin mặt trời là vấn đề không hề đơn giản. Hơn nữa, làm điện mặt trời thì mất sinh kế của cộng đồng” - PGS.TS Bùi Chí Hoàng nêu ý kiến.

PGS.TS Bùi Chí Hoàng cho rằng, Quảng Ngãi cần xây dựng phức hợp, kết nối đầm An Khê, Gò Cỏ, đồng muối, nhà trưng bày… Đây sẽ là nền tảng tốt để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, đối với hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt, nếu không có đầm An Khê, chắc chắn không thể được công nhận.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, hội nghị tham vấn nhằm đánh giá những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh, vai trò của đầm An Khê trong bảo tồn không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ, và ý kiến đánh giá khách quan về sự ảnh hưởng của dự án điện mặt trời trên đầm An Khê đến định hướng bảo tồn không gian di sản văn hóa Sa Huỳnh, phát triển dịch vụ, du lịch tại đầm An Khê và vùng phụ cận.

“Quan điểm lãnh đạo tỉnh, việc bảo tồn di tích và phát huy giá trị là đặt lên hàng đầu, ưu tiên nhất” - ông Trần Hoàng Tuấn khẳng định.

Người dân mưu sinh trên đầm An Khê.
Người dân mưu sinh trên đầm An Khê.

Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh – nền văn hóa khảo cổ thời đại Kim khí, phân bố chủ yếu ở khu vực Trung, Nam Trung Bộ, lan tỏa đến Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và hải đảo. Văn hóa này được nhiều học giả quốc tế và trong nước quan tâm nghiên cứu trong hơn một thế kỷ qua.

Đầm An Khê là một bộ phận trong khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Đây cũng là đầm lớn nhất Quảng Ngãi với diện tích tự nhiên hơn 347ha, thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thanh (thị xã Đức Phổ). Thời gian qua, dư luận rất quan tâm về việc đầu tư 2 dự án nhà máy điện mặt trời sẽ làm “tổn thương” đến đầm An Khê và ảnh hưởng sinh kế của người dân.