Đầu tư phải có trọng điểm, không nên “rải mành mành”

Quốc Toàn
Chia sẻ Zalo

Ngày 22/10, thảo luận tại tổ về tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, đa số các ĐB Quốc hội đoàn TP Hà Nội đều cho rằng không nên đầu tư theo kiểu “rải mành mành” mà cần chọn một số ngành trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, đặc biệt là du lịch để phát triển.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, để phát triển thành công thì cần tạo ra cho những “ngành mũi nhọn” những cơ chế chính sách và sự quan tâm thích đáng. Trong Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Đảng có một câu ngắn gọn: Phát triển mạnh du lịch. Báo cáo Chính phủ cũng nói đẩy mạnh và coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng, theo ĐB Hưng: “Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn rất mong muốn Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm coi du lịch, ứng xử với du lịch đặt du lịch ở vị trí tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước mình, cũng như đặt du lịch ở vị trí là một ngành kinh tế”.

ĐB Hưng cho biết, khi đi tiếp xúc cử tri, những người làm du lịch rất buồn, vì chủ trương thì yêu cầu phải đạt ngành kinh tế mũi nhọn nhưng du lịch thì nay bị tách ra mai nhập vào, không ổn dịnh. “Vì không có sự ổn định về bộ máy cho nên dẫn đến không ổn định về cơ chế chính sách, về con người thực hiện”. Do đó, nếu xác định du lịch là ngành kinh tế thì phải điều tiết, điều hành nó như một ngành kinh tế. Từ đó, tạo ra cho du lịch cơ chế chính sách, bộ máy, đầu tư con người để đáp ứng được yêu cầu.

 ĐB Phạm Quang Thanh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội nhấn mạnh khi cho rằng việc đầu tư dàn trải là nguyên nhân quan trọng khiến hiệu quả đầu tư không cao, nợ nhiều. “Theo tôi nên tập trung vốn đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao, mang lại hiệu quả ngay. Chẳng hạn đầu tư cho du lịch ít tốn kém nhưng lợi nhuận lớn, hay công nghệ thông tin đầu tư vào con người cũng vậy. Mặt khác, cũng nên chọn để đầu tư vào các vùng trọng điểm chứ không dàn trải” – ĐB nói và cho rằng cũng cần phải xem bên ngoài người ta làm gì đã, không đánh giá kỹ thì cứ đóng của để phát triển thì sản phẩm làm ra có khi không bán được. Vì “mình tái cơ cấu, thế giới cũng tái cơ cấu, mình phải theo thế nào chứ không một mình một hướng được, vì mình chưa phải nền kinh tế lớn”.

ĐB Nguyễn Quốc Bình góp ý thêm: “ Các chuyên gia quốc tế phân tích Việt Nam có 7 lĩnh vực lợi thế. Theo tôi, chúng ta nên tập trung vào 5 lĩnh vực chính: công nghệ thông tin, du lịch, kinh tế biển, logistic (đường không, đường biển, đường bộ) và nông nghiệp”. Ngoài ra, một số ĐB lưu ý, trong tái cơ cấu nên kinh tế nước ta năm 2017 và giai đoạn tới, nên phát huy nội lực, đặc thù của đất nước ta, gắn tái cơ cấu kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh.

Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Chính phủ rà soát các văn bản dưới luật, nếu không sẽ vướng, chỉ đầu tư công của Hà Nội có khi không đạt trên 50%. Đơn cử như Luật môi trường quy định khi chứng nhận đầu tư phải đánh giá tác động môi trường, trong khi Luật Đầu tư chỉ bảo là phải đánh giá sơ bộ thì phải làm thế nào?

         ĐB đề nghị phải rà soát lại các nghị định, hướng dẫn đầu tư công để thoát cho cả cơ sở. Như Hà Nội hiện nay mức độ đô thị hoá rất nhanh tốc độ người di cư đến Hà Nội rất nhanh, 200.000 người/năm. Luật Thủ đô đã quy định những công trình hạ tầng trên địa bàn Hà Nội nếu không đảm bảo thì T.Ư hỗ trợ. “Chúng tôi đã rà soát có 35 công trình hạ tầng quan trọng nhất báo cáo T.Ư với tổng mức đầu tư 118.000 tỷ đồng. Nếu cấp như thế này Hà Nội được 9.000 tỷ đồng. Như vậy theo Luật Thủ đô chưa thực hiện được, chúng tôi đề nghị  Ủy ban Ngân sách của Quốc hội có đề xuất phù hợp”, ĐB nói.