Đầu tư tiền ảo: Vô vàn cạm bẫy

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài năm trở lại đây, làn sóng đầu tư vào tiền ảo tại Việt Nam đang ngày càng phát triển. Đi đôi hàng loạt hứa hẹn về mức lợi nhuận khủng được các đồng tiền ảo đưa ra cũng là vô số cạm bẫy được giăng nhằm hút sạch túi của nhà đầu tư.

Nếu như những năm trước, nhà đầu tư (NĐT) Việt chỉ quen với những đồng tiền ảo có tiếng như Bitcoin, Ethereum… thì nay với việc xuất hiện hàng loạt đồng mới như Win, CBR, GEM, Silling... thị trường này đã trở nên sôi động hơn rất nhiều. Và với việc Bitcoin liên tục có những đột sốt giá trong 2 năm trở lại đây, việc đầu tư vào tiền ảo được nhìn nhận là một trong những lĩnh vực hấp dẫn, mang lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, việc gì cũng có 2 mặt, song hành với sự phát triển mạnh về số lượng cũng như quy mô của thị trường tiền ảo, số vụ lừa đảo, phạm tội có liên quan cũng tăng theo cấp số nhân. Việc nở rộ các đồng tiền ảo rác, thu hút vốn dựa theo hình thức đa cấp... cũng xuất hiện nhiều vô kể, kéo theo đó là hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn NĐT mắc bẫy với số tiền thiệt hại lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Dưới đây là những vụ việc điển hình về tình trạng lừa đảo trong mảng tiền ảo đã được ghi nhận:
Bitconnect: Vụ lừa đảo thế kỷ
Có một thực tế rằng hầu hết các đồng tiền ảo đều không tuân theo bất kỳ một quy định hay luật pháp nào, bên cạnh đó cũng không có tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc định ra giá trị do đó việc đầu tư có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng rủi ro thì cũng tương ứng. Câu chuyện kinh điển trong giới tiền ảo của sàn giao dịch BitConnect thuộc công ty Bitconnect LTD từng có giá trị vốn hóa hơn 2 tỷ USD chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
BitConnect Coin từng là một trong những đồng tiền ảo có giá trị lớn nhất.
Cụ thể, ngay từ năm 2017, BitConnect đã đưa ra lời hứa hẹn lợi nhuận cao lên tới 40% từ các chương trình cho vay lấy lãi của họ cùng với yêu cầu người dùng phải gửi Bitcoin cho công ty. Đồng Bitcoin sau đó được chuyển đổi thành một đơn vị khác, có tên gọi là BitConnect Coin (BCC) và được quản lý bởi BitConnect. Đồng thời, NĐT sẽ kiếm được nhiều tiền hơn sau khi "mời gọi" những người khác đăng ký. Đáng chú ý, BitConnect Coin được coi là một trong những đồng tiền ảo thành công nhất trong lịch sử với giá trị tăng hơn gấp 3.000 lần chỉ trong vòng một năm.
Tuy nhiên tới ngày 17/1/2018, website của BitConnect sau đó liên tục báo bảo trì, nâng cấp hệ thống cùng với đó là thông báo ngừng hoạt động cho vay tiền ảo. Trước đó, ngày 4/1, Ủy Ban Chứng khoán Texas đã đưa ra lệnh ngừng khẩn cấp với BitConnect đồng thời đưa ra tuyên bố công ty này đang tham gia vào các thương vụ đầu tư gian lận và lừa đảo.
Ngay sau thời điểm trên, đồng BitConnect Coin đã lao dốc chóng mặt, từ mức khoảng hơn 400 USD xuống còn dưới 15 USD, điều này cũng đồng nghĩa với việc tiền đầu tư của NĐT đã bốc hơi ngoài tầm kiểm soát. Đây được xem là cú sốc lớn nhất với thị trường tiền ảo từ trước tới nay với tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,5 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nhiều NĐT cũng là nạn nhân của BitConnect Coin, bởi khi đó đây là đồng tiền ảo hot nhất trên thị trường với lượng người tham gia lớn, ước tính các hội nhóm tham gia đầu tư đồng tiền này trên mạng xã hội trung bình đều có khoảng 50.000 thành viên hoạt động.
Ifan: 32.000 nạn nhân sập bẫy
Vào giai đoạn 2017 - 2018, iFan là một trong những đồng tiền ảo nổi bật nhất tại Việt Nam, không chỉ về tốc độ phát triển chóng mặt mà còn cả về quy mô của "cú lừa" mà nó mang lại. Tại thời điểm đó, theo tố cáo của NĐT đến cơ quan chức năng, Công ty CP Modern Tech - đơn vị phát triển iFan tại Việt Nam - đã lừa hơn 32.000 nhà đầu tư, qua đó chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng.
Nạn nhân của iFan 
Đến tháng 5/2018, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03, Công an TP Hồ Chí Minh) đã tiến hành điều tra vụ việc trên và có những kết luận chỉ ra rằng có dấu hiệu lừa đảo qua hình thức huy động vốn đa cấp, lấy tiền người mua tiền ảo sau trả cho người mua trước với tỷ lệ lãi suất cao nhằm thu hút nhiều NĐT tham gia. Sau khi huy động được lượng tiền lớn thì giải thể công ty để chiếm đoạt.
Cụ thể, đồng iFan được gắn mác là dự án đến từ Công ty iFan PTE.LTD có trụ sở ở Singapore, phát hành dưới dạng mã hóa token, thông qua trang web https://ifan.io/, có máy chủ đặt ở nước ngoài. Công ty ngoại quốc trên đã ủy quyền cho Modern Tech làm đại diện cho iFan tại Việt Nam. Sau đó, Modern Tech đã tổ chức hàng loạt sự kiện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm huy động vốn với cam kết khi tham gia quỹ tiền ảo, NĐT sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống NĐT sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Sau một thời gian lừa đảo nhằm thu hút NĐT, tới tháng 1/2018 thì dự án iFan tuyên bố ngừng hoạt động. Tất cả tiền của NĐT được trả về bằng đồng iFan, giá 5 USD/iFan. Theo cơ quan công an, đồng iFan không có giá trị, NĐT không thể bán được đồng tiền này. Làm việc với cơ quan chức năng, các NĐT đều cho biết hoạt động mua bán iFan không có bất cứ hợp đồng đầu tư hay mua bán nào bởi mọi giao dịch tiền bạc đều trên sàn quốc tế.
Đến thời điểm tháng 5/2018, PC03 đã nhận được 145 đơn tố cáo liên quan đến hoạt động đầu tư đồng iFan với tổng thiệt hại là 90 tỷ đồng. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, nhiều khả năng số nạn nhân cùng số tiền thiệt hại còn cao hơn nhiều lần con số trên.
WinCoin: Huy động vốn kiểu đa cấp
Vào tháng 7/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã đưa ra cảnh báo về một nhóm các đối tượng người Việt Nam có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép thông qua website Winsbank.io. Hệ thống này có dấu hiệu sử dụng tiền ảo làm phương tiện huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp.
WinCoin  dụ dỗ người dùng với mức lợi nhuận lớn.
Theo đó, để thu hút NĐT, Winsbank đã đưa ra rất nhiều lời “hứa hẹn” về tương lai của đồng tiền ảo WinCoin và giá cổ phiếu ESR. Cụ thể, hệ thống Winsbank “hứa hẹn” với nhà đầu tư sẽ có lãi suất cố định từ 2% đến 12%/năm, sau khi tham gia vào hệ thống bằng cách mua đồng tiền ảo WinCoin, với 13 gói đầu tư WinCoin có giá trị từ 100 Win đến 100.000 Win (tương đương từ 100 USD đến 1 triệu USD) hoặc tham gia mua cổ phiếu ESR với 16 gói do Winsbank đưa ra từ 100 USD đến 1 triệu USD.
Ngoài việc được hứa hẹn nhận lãi suất tĩnh khi đầu tư Wincoin hoặc lợi nhuận từ việc tăng giá của cổ phiếu ESR thì nhà đầu tư còn có thể nhận thêm lợi nhuận khi tham gia giới thiệu thành viên mới đầu tư vào hệ thống của WinsBank theo mô hình kinh doanh đa cấp và sẽ được trả thưởng đến 10 tầng.
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, hệ thống trên do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Bản chất Winsbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.
Do vậy người dân cần nâng cao cảnh giác, ai đã tham gia đầu tư vào hệ thống Winsbank có thể đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để trình báo, cung cấp thông tin.
USDT: Giăng bẫy với lãi suất 600%/năm
Trong năm 2020, USDT của ngân hàng ảo tự xưng Etop Bank là một trong những đồng tiền số nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên thị trường với lời hứa hẹn "không tưởng" dạng nếu tham gia NĐT sẽ nhanh chóng trở thành triệu phú USD.
Etop Bank khiến nhiều NĐT Việt trắng tay
Theo đó, NĐT chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo USDT với các gói từ 200 USD - 10.000 USD, theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30 - 50%/tháng tương đương 600%/năm, cao gấp gần 100 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng trong nước. Sau kỳ hạn gửi, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc. Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 3 năm, nếu người tham gia gửi 1 tỷ đồng, mỗi tháng sẽ nhận lãi 500 triệu đồng.
Ước tính sơ bộ, chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, dự án này đã thu hút được hàng nghìn người tham gia. Nhiều nhất là các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên... Đáng lưu ý, đa số NĐT là đi vay để tham gia, người ít thì vài chục triệu, người nhiều đến tiền tỷ.
Tuy nhiên, cũng chỉ ít lâu sau, Etop Bank đột ngột dừng hoạt động, các nhà môi giới trước đây từng tích cực dụ dỗ NĐT tham gia cũng bỗng nhiên biến mất. Điều này cũng đồng nghĩa với số tiền mà NĐT bỏ ra cho USDT cũng một đi không trở lại.
Được biết, tháng 11/2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một sàn tiền ảo lừa đảo có tên Tradenew.io do một nhóm người Việt Nam điều hành, sàn này chủ yếu dùng đồng USDT để giao dịch. Theo cơ quan Công an hiện tổng số tài khoản user đăng ký trên sàn Tradenew.io là 3.626 tài khoản với tổng số lượng tiền ảo USDT tương đương 1.089 tỷ đồng.