Đầu tư “trúng”, tránh lãng phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2013, Hà Nội đã thực hiện vượt chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia với 134 trường, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn lên 42,6%.

Theo kế hoạch được UBND TP phê duyệt, năm nay sẽ xây dựng thêm 100 trường đạt chuẩn. Song, không phải quận, huyện nào cũng dễ dàng “cán đích" vì thiếu quỹ đất, kinh phí…

900 trường đạt chuẩn quốc gia

Năm 2013, ngành GD&ĐT Hà Nội đã vượt chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia 105,5% so với kế hoạch TP giao (122 trường). Trong đó, cấp mầm non đạt 53 trường (vượt 1 trường), cấp tiểu học đạt chỉ tiêu với 34 trường, cấp THCS đạt 40 trường (vượt 4 trường), cấp THPT có thêm 7 trường (vượt 3 trường). Như vậy đến nay, Hà Nội đã có tổng số 900 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn là 42,6%, gần cán đích 50 - 55% số trường công lập đạt chuẩn vào năm 2015.
Giờ học nhạc của các cháu trường Tiểu học Dịch Vọng A.          Ảnh:  Thiên Nga
Giờ học nhạc của các cháu trường Tiểu học Dịch Vọng A. Ảnh: Thiên Nga
Các đơn vị đứng đầu về số lượng trường đạt chuẩn trong năm qua là Hà Đông (9 trường), Từ Liêm (9 trường), Ứng Hòa (8 trường), Thanh Oai (7 trường), Sóc Sơn (7 trường)… Kết quả trên cho thấy, những đơn vị có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương thì tỷ lệ đạt chuẩn cao. Như bà Phạm Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia, quận đã xây dựng đề án rất cụ thể. "Công tác xây dựng trường chuẩn hàng năm đều được cụ thể hóa bằng Nghị quyết. Trong 3 năm qua, quận đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng trường học, trên 100 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị giáo dục. Những trường có 2 điểm trường hàng năm đều được bổ sung kinh phí từ 100 - 120 triệu đồng. Với những trường đạt chuẩn, hàng năm đều được bổ sung 100 triệu đồng cho việc sửa chữa và nâng cấp".

Hỗ trợ kinh phí cho huyện khó khăn

Mặc dù rất nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn, nhưng một số quận, huyện không thể đạt mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân là bởi nhiều đơn vị ở ngoại thành không đủ kinh phí, còn các đơn vị ở nội thành lại thiếu quỹ đất để mở rộng, xây mới trường. Vì thế, tỷ lệ đạt chuẩn giữa các quận, huyện vẫn chênh lệch rất lớn. Trong khi quận Long Biên đứng đầu về tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn (70,9%), sau đó đến quận Tây Hồ (70,8%), thì huyện Phú Xuyên sau khi hợp nhất mới xây dựng được 2 trường chuẩn. Đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên cho biết: Năm 2013, huyện đăng ký 4 trường, nhưng không đạt được trường nào. Huyện chỉ có đủ ngân sách để sửa chữa, nâng cấp, xóa phòng học nhờ, học tạm. Năm 2014 - 2015, huyện cố gắng xây dựng 4 - 5 trường đạt chuẩn, tuy nhiên, nếu không có cơ chế đặc thù của TP dành cho huyện thì cũng khó đạt được. Vì thế, vị này kiến nghị: "Rất mong TP cấp thêm ngân sách, cho cơ chế ưu tiên đối với các huyện khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn, như vậy mới có thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra". Một số huyện như Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Trì… cũng chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Thế nên, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức đề xuất: "Nếu kinh phí không đáp ứng được toàn TP, thì nhóm các huyện còn khó khăn như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mê Linh… chủ yếu là ngân sách TP đầu tư, cần có cơ chế đặc thù cho các huyện trong xây dựng trường đạt chuẩn".

Ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội thẳng thắn cho biết: Hiện vẫn còn một số lãnh đạo cấp quận, huyện nhận thức chưa đầy đủ về xây dựng trường chuẩn. Có ý kiến cho rằng đây chỉ là hình thức thi đua nên chưa coi trọng, có nơi lại tự ti quá, không cố gắng khắc phục tồn tại (thiếu trang thiết bị, diện tích…). Các cấp, đặc biệt cấp huyện cần đầu tư trúng, đúng, hiệu quả thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra.

Chỉ đạo công tác xây dựng trường chuẩn năm 2014, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Ngành GD&ĐT các quận, huyện phải được tham gia từ khâu thiết kế, xây dựng đến mua sắm trang thiết bị để đảm bảo đúng tiêu chuẩn, tránh lãng phí, tránh việc xây dựng dở dang. Các quận, huyện cần đầu tư tập trung, không xây dựng dàn trải. Đối với những trường đã đạt chuẩn cấp độ 1, cần phấn đấu đạt chuẩn cấp độ 2.