Đầu tư vào đâu trong năm 2021?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào năm 2021, nhiều người bắt đầu ngồi tính bài toán đầu tư vào kênh nào cho hiệu quả khi lãi suất tiền gửi quá thấp, chứng khoán tăng quá mạnh, bất động sản “lặng sóng”, vàng vừa trải qua đợt tăng giá phi mã... Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hết, liệu những kênh đầu tư này có duy trì được đà tăng trong năm 2021?

Vàng, chứng khoán, thi nhau lập kỷ lục
Nửa cuối năm 2020, thị trường vàng đã tăng tới 45% và trở thành một trong những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận tốt nhất năm.

Lý do giá vàng tăng phi mã là dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư (NĐT) đổ xô đi mua vàng như một kênh đầu tư an toàn. Giới chuyên gia vẫn kỳ vọng rất lớn vào giá vàng trong năm 2021. Ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam dự báo, giá vàng năm 2021 sẽ sớm lấy lại mốc giá 2.000 USD/ounce do có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó, yếu tố lớn nhất là làn sóng bơm tiền kích cầu kinh tế của các nước lớn. Giá vàng thế giới tăng sẽ kéo giá vàng trong nước đi lên.
 Khách chọn mua vàng tại một cửa hàng trên đường Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm “đau tim” với các NĐT vàng, khi giá biến động nằm ngoài mọi dự đoán, vọt tới con số cao nhất lịch sử (2.075 USD/ounce) vào tháng 8/2020 rồi lại rớt mạnh. Bên cạnh đó, giá vàng tăng hay không vẫn tùy thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. "Dưới tác động của dịch bệnh, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng thì giá vàng lại lên. Tuy nhiên, nếu vaccine được phân phối đến các nước nhanh chóng thì giá vàng sẽ ổn định lại" - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Năm 2020 cũng là năm thắng lớn với nhiều NĐT chứng khoán. Kể từ khi VN-Index chạm "đáy" hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2020, chỉ số này đã bật tăng mạnh trở lại từ hơn 600 điểm lên hơn 1.000 điểm vào thời điểm cuối tháng 12 (tăng tới 63%). Kết thúc năm 2020 tại mức 1103,87 điểm, VN-Index ghi nhận tăng 142,88 điểm tương ứng 14,87% so với đầu năm. Nhờ diễn biến tích cực này, chỉ số chính của TTCK Việt Nam trở thành một trong những chỉ số có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Đầu năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, giữa năm nhiều NĐT mới dò dẫm học cách mua bán cổ phiếu, nhưng tính đến tháng 11/2020 đã có thêm hơn 330.000 tài khoản lần đầu tiên tham gia sàn chứng khoán. "Cơn sốt" chứng khoán tăng nóng.

Năm 2021, VN-Index được dự báo qua mốc 1.200 điểm với động lực đến từ bốn yếu tố. NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021; triển vọng phục hồi của nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát; Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/ 2021 cải thiện tâm lý NĐT; thông tin Việt Nam có thể được nâng hạng trong rổ chỉ số FTSE và vaccine được ban hành rộng rãi trong năm 2021 cũng tác động tích cực đến thị trường.

Tuy nhiên, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh lưu ý, không phải cổ phiếu nào cũng tốt và chất lượng, để phân biệt cần có trình độ chuyên môn. Những NĐT mới cần phải cẩn trọng, có kinh nghiệm phân biệt, lựa chọn hàng tốt để mua, vì một số DN nhân cơ hội thị trường đi lên đã "tân trang", nâng giá cổ phiếu lên gấp hàng chục lần so với giá trị thực. Những NĐT thiếu kiến thức sẽ có khả năng gặp rất nhiều rủi ro; đồng thời cũng lưu ý rủi ro tăng cao khi NĐT cá nhân gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính margin (giao dịch ký quỹ) để mua chứng khoán.

Đầu tư bất động sản - cân nhắc kỹ về khả năng tài chính

Sau 3 quý trầm lắng, bắt đầu từ quý 4/2020, một số phân khúc bất động sản (BĐS) đã ấm trở lại. Theo chia sẻ của một đại diện đơn vị phân phối dự án tại khu vực phía Tây (Hà Nội), trong 2 tháng trở lại đây, khách hàng tìm hiểu về khu đô thị Dương Nội tăng đột biến. So với cùng kỳ năm 2019, lượng khách tăng khoảng 50%.

Gắn liền với sự phát triển, tăng trưởng nền kinh tế hồi phục, giá BĐS gần như chắc chắn sẽ tăng. Đó là lý do nhiều người bỏ vốn vào kênh này để đón đầu sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ở thời điểm hiện tại, BĐS còn có thêm nhiều lợi thế như lãi vay hấp dẫn; các chủ đầu tư xây dựng chế độ thanh toán rất đa dạng và linh hoạt; thời hạn vay dài, có dự án lên tới trên 30 năm, hạ tầng trên cả nước vẫn đang đầu tư mạnh tạo thêm giá trị gia tăng cho kênh đầu tư này.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS 2021 dự đoán có nhiều “điểm sáng” nhờ Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng DN. Hàng loạt chính sách mới trực tiếp hỗ trợ thị trường như: Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT. Đặc biệt, khi Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt…

Theo các chuyên gia, từ nay đến Tết Âm lịch và cả năm 2021, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại. Các phân khúc như BĐS vùng ven Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ bật dậy mạnh mẽ sau một thời gian dài trầm lắng. Cùng với đó, phân khúc nhà vừa túi tiền, nhà trung bình sẽ tăng giá nhanh. Đặc biệt, BĐS du lịch sẽ bật lên mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cùng với đó BĐS công nghiệp vẫn là một mảng sáng của thị trường. Báo cáo của Savills Việt Nam cho biết, dự kiến làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 sẽ đòi hỏi nhiều nguồn cung BĐS công nghiệp hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao.

Tuy nhiên, BĐS đòi hỏi vốn lớn nên kén NĐT buộc phải cân nhắc và tính toán kỹ năng tài chính của mình trước khi quyết định đầu tư. Riêng với BĐS, thanh khoản sẽ thấp hơn các kênh khác như vàng hay chứng khoán…

Tiền vẫn chảy vào ngân hàng

Đối với kênh đầu tư truyền thống là tiết kiệm ngân hàng, trong năm 2020 lãi suất huy động giảm kỷ lục, trong đó lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng đã về mức thấp chưa từng có 2,55%/năm. Thế nhưng, tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục là kênh đầu tư an toàn cho đại bộ phận người dân và DN. Năm 2020, lãi suất huy động giảm kỷ lục, dòng tiền chảy vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, thậm chí mức tăng còn cao hơn các năm trước. Với tâm lý "ăn chắc mặc bền" người dân lâu nay vẫn lựa chọn ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn nhất.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện lãi suất tiết kiệm đã giảm khá sâu và dư địa giảm không còn nhiều, nên NĐT không cần lo lắng lãi suất sẽ giảm sâu thêm.

“Kênh đầu tư ngoại hối, theo tôi nghĩ, NHNN sẽ tìm cách ổn định tỷ giá để Việt Nam có thể ra ngoài danh sách thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Chưa kể là để cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do tác động bởi Covid-19, Chính phủ Mỹ đã bơm rất nhiều tiền ra thị trường khiến đồng USD mất giá. Đổ tiền mua USD vào thời điểm này không phải là kênh sinh lời tốt”- TS. Nguyễn Trí Hiếu nói và cho rằng, VND vẫn là kênh phù hợp với người ít kiến thức về tài chính, chấp nhận mức độ rủi ro thấp.

Ngoài các kênh đầu tư truyền thống, các chuyên gia nhận định, năm 2021 các kênh đầu tư mới xuất hiện như Forex và tiền điện tử sẽ “hút” giới đầu tư. Tuy nhiên, những loại hình này đều không được công nhận ở Việt Nam và đa cấp tài chính cũng đã đổ vỡ rất nhiều trên thị trường. Các sàn Forex ảo mọc lên liên tục kéo theo hoạt động lừa đảo trên thị trường Forex nên NĐT cần cẩn trọng trước khi tham gia. Đừng vì sốt ruột mà bỏ tiền vào các kênh này là cầm chắc thiệt hại cũng như các hệ lụy không thể đo đếm.

"Việc dự báo đầu tư vào đâu để có lợi trong năm 2021 là chuyện vô cùng khó. Chỉ có thể đánh giá rằng tình hình thế giới biến động rất lớn, rất nhanh. Do vậy, các NĐT nên bám sát các chính sách vĩ mô của Nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. 2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, khi một tổng thống mới đắc cử" - Ông Trương Văn Phước - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần