Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà, lập thành cụm di tích đình - chùa Hà nằm trên mảnh đất, trước kia thuộc làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Theo truyền thuyết: Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460 - 1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.
Có dịp đến thăm Chùa Hà, bạn sẽ thấy ngôi chùa được kết cấu thành từng khu riêng biệt với những ban thờ Phật và ban thờ Thánh Mẫu. Người dân tới đây thực hành tín ngưỡng tâm linh sẽ cầu nguyện trước các vị Đức Ông, Đức Thánh Hiền, các vị Phật và tam tòa Thánh Mẫu để cầu được bình an, vạn sự hanh thông, duyên tình tròn vẹn. Bước sang Đình Bối Hà bên cạnh, bạn sẽ thấy ban thờ thành hoàng làng Triệu Chí Thành, vị tướng thời Triệu Việt Vương (năm 550 thế kỷ thứ VI) người đã có công đánh đuổi giặc Lương bảo toàn lãnh thổ của dân tộc.
Không biết từ bao giờ mà người Hà Nội thường rỉ tai nhau về Chùa Hà là nơi cầu duyên linh thiêng bậc nhất Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đến tuổi yêu đương, các nam thanh, nữ tú khắp nơi tìm đến đây để cầu cho tìm được người yêu ưng ý. Người đã có đôi lứa thì cầu cho tình duyên mãi bền lâu. Những người đang “lận đận” chuyện tình duyên cũng thường ghé thăm chùa Hà để cầu cho sớm tìm thấy một nửa tương lai của mình đang ở đâu đó chưa xuất hiện.Đến Chùa Hà, bạn sẽ nghe có rất nhiều giai thoại, nhiều nhất vẫn là chuyện những đôi nam nữ khắp trên đất nước đến đây cầu tình duyên và sớm được toại nguyện trong niềm hạnh phúc. Nhiều người kể mình vừa đi lễ về chỉ sau 2 tháng đã có người yêu. Người lại kể đi chùa Hà cầu duyên chỉ nửa năm sau thì đã cưới được người trong mơ. Có đôi lứa dù đã chia tay nhưng còn vương vấn, sau khi làm lễ cầu duyên tại chùa Hà thì một thời gian ngắn sau họ đã tự nhiên quay về bên nhau nên duyên vợ chồng.Có chuyện lại kể rằng, sau khi đi lễ Chùa Hà, ban đầu cũng chưa gặp được người ưng ý, nhưng bản thân người làm lễ cầu duyên tại chùa Hà cũng sẽ vơi bớt những nỗi khổ “lụy tình”. Dọc con phố dẫn vào chùa Hà, ngoài các lễ vật được bày bán như các ngôi chùa khác thì nơi đây người ta bày bán rất nhiều loại hoa hồng khác nhau. Đơn giản là hoa hồng được xem là loài hoa dành cho tình yêu, thích hợp cho việc “cầu duyên”. Ngoài ra, để phục vụ cho các bạn trẻ, người ta bày bán khá nhiều vòng, nhẫn để các bạn trai hào phóng rút tiền tặng bạn gái.Để cầu duyên thành công, bạn cần có 3 mâm lễ để ban Tam Bảo, ban Đức Ông và ban thờ Mẫu. Khi vào chùa, bạn có thể thấy gian nhỏ xếp lễ nằm bên cạnh gian thờ chính. Sau khi sắp xếp mâm lễ cúng thì bạn sẽ dâng lễ lên ban Tam Bảo và ban Đức Ông tại gian thờ chính, sau đó đến dâng lễ ở Điện Mẫu.Mâm lễ ban Tam Bảo: Tại ban thờ Tam Bảo bạn cần chuẩn bị nhang thơm chất lượng tốt, hoa tươi, đăng (nến), bánh kẹo, trái cây tươi sạch và sớ dành cho ban Tam Bảo. Lưu ý, đây là ban thờ Phật nên không được dâng cúng những đồ ăn mặn và không được để tiền, vàng lên tại ban thờ Tam Bảo.Mâm lễ ban Đức Ông: Tiếp theo, để chuẩn bị cho mâm lễ dâng ban Đức Ông bạn cần: tiền vàng, thuốc, rượu, trà thơm nguyên chất, các món mặn tùy ý (xôi trắng, khoanh giò, rượu…) và sớ ban thờ Đức Ông. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chuẩn bị lễ vật ban Đức Ông như mâm lễ tại ban Tam Bảo và thêm một thếp tiền vàng là được.Mâm lễ ban thờ Mẫu: Bộ lễ cho ban thờ Mẫu cần các lễ vật như: Tiền vàng, hoa tươi (5 bông hồng màu đỏ), trầu cau (bắt buộc phải có), tiền lẻ công đức, các loại bánh thơm ngon, kẹo đa dạng các loại, làm sớ và đặt chung vào mâm lễ rồi cầu xin duyên tại Điện Mẫu. Ngoài ra, có thể bạn chưa biết khi lần đầu đi lễ chùa Hà, sớ xin duyên, sớ ban Tam Bảo và sớ ban Đức Ông bạn có thể đến cổng chùa để nhờ ông cụ viết sớ giúp nhé.