Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu xuân, nhiều chuyến hàng xuất khẩu rời cảng ra nước ngoài

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm 2023, nhiều đơn hàng xuất khẩu thép Hòa Phát đã tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Hồng Kong, Campuchia…

Đầu năm 2023, nhiều đơn hàng xuất khẩu thép Hòa Phát đã tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc.
Đầu năm 2023, nhiều đơn hàng xuất khẩu thép Hòa Phát đã tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc.

Đơn hàng xuất sang khu vực châu Mỹ là thép thanh vằn mác thép Grade 60 – Aircooled, sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ - ASTM A615/A615M-14. Sản phẩm là loại thép cốt bê tông thường dùng để xây dựng các công trình. Hòa Phát cũng xuất thép dây cuộn với mác thép từ SAE1006 đến SAE1021, tiêu chuẩn ASTM A510/A510M - 13 tới khu vực này. Thời gian giao hàng trong tháng 1/2023, hàng được xuất từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Hòa Phát Hải Dương.

Ngoài ra, Hòa Phát dự kiến giao lô hàng thép cuộn đầu tiên xuất sang thị trường Bỉ trong tháng 2 tới. Với quy trình sản xuất thép từ quặng theo công nghệ lò cao hiện đại, khép kín, Hòa Phát cung cấp đa dạng mác thép, các sản phẩm thép của Hòa Phát đạt chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Năm 2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đóng góp gần 1,2 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2021.

Thị trường xuất khẩu của Hòa Phát đã mở rộng khắp 5 châu. Cho đến nay, thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc…. Việc khai thác các thị trường xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 258 triệu USD, chiếm 1%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 22,32 tỷ USD, chiếm 89%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%...

Nhận định từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiểm soát lạm phát của các quốc gia nhập khẩu, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, với việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tích cực cũng sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023. Một trong những chỉ tiêu mà ngành công thương đưa ra trong năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.