Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh: Phải có lộ trình!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đã được một số trường THPT chuyên thí điểm trong những năm qua và bước đầu có những thành công.

KTĐT - Dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đã được một số trường THPT chuyên thí điểm trong những năm qua và bước đầu có những thành công.

Tuy nhiên, để triển khai đại trà từ năm học 2011 - 2012 như quyết định của Bộ GD&ĐT thì lại gặp không ít thách thức và trắc trở. Bởi vậy, dù ủng hộ, nhưng các trường lúng túng khi chưa có lộ trình rõ ràng, trình độ tiếng Anh của cả giáo viên lẫn học sinh vẫn còn nhiều bất cập... Đấy là những vấn đề được đưa ra trong cuộc bàn tròn "Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh trong trường chuyên" mà Bộ GD&ĐT vừa tổ chức.


Ý tưởng triển khai dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại trường THPT chuyên được nhiều người đồng tình. Song đúng như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh sẽ thực hiện được mục tiêu kép, đó là tăng năng lực sử dụng tiếng Anh của giáo viên và học sinh, đồng thời phục vụ việc tiếp cận với chương trình và cách học tiên tiến. Nhưng, việc quan trọng là làm sao cho phù hợp và nhất thiết phải tính đến hiệu quả, không thể làm lấy được, làm cho có, làm để trình diễn…


Bản thân các trường cũng hào hứng với việc này, tuy nhiên có một lộ trình rõ ràng là điều cần bàn tới. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH QG Hà Nội) là trường sớm sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, nhưng bước đầu mới chỉ dừng ở mô hình song ngữ. Theo Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, học sinh của trường học một buổi là chương trình bình thường, một buổi học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Buổi học bình thường sẽ giúp học sinh hiểu rõ kiến thức nên khi học bằng tiếng Anh sẽ dễ hiểu và hiệu quả hơn. Ngược lại, buổi học bằng tiếng Anh sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức và rèn khả năng tự học, tham khảo các tài liệu bằng tiếng Anh.


Cái khó của giáo viên khi tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh không hẳn là trình độ tiếng Anh chưa tốt, mà bởi chưa hề có một chương trình cụ thể hay chính thức nào về việc này. Theo cô Quách Phạm Thùy Trang, giáo viên môn hóa học (trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội), trường có 45 giáo viên cơ hữu thì 30% người có khả năng tiếng Anh tốt, nhưng chưa thể lên lớp dạy 100% các môn toán, lý, hóa... bằng tiếng Anh ngay trong năm tới mà chỉ có thể triển khai ở một số chương, bài.


Lãnh đạo các trường đều cho rằng: Bộ nên có lộ trình khi triển khai kế hoạch này, đồng thời tiến hành điều tra đánh giá độ tuổi giáo viên, vì đội ngũ giáo viên dạy chuyên hiện nay phần lớn đã lớn tuổi, tuy có chuyên môn nhưng không thể học được tiếng Anh trong thời gian ngắn. Bộ nên tập trung đào tạo từ "máy cái" là trường sư phạm. Hợp lý và nhanh nhất là sinh viên các lớp cử nhân tài năng, vì những sinh viên này đều đã được học môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Ông Đỗ Bá Khôi, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đưa ra kiến nghị: Trong khoảng 400 tiết toán/năm, chỉ nên dạybằng tiếng Anh 10 - 20 tiết là phù hợp.


Từ kinh nghiệm của trường, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương đề xuất, nên có từng bước cho mô hình này. Trong giai đoạn một (bốn năm đầu), nên duy trì hình thức một buổi dạy bình thường, một buổi dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các lớp chất lượng cao ở cấp THCS cũng nên dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh để tạo tiền đề cho học sinh. Trong giai đoạn hai (2 năm tiếp theo), dạy 50% bằng tiếng Anh ở buổi dạy bình thường, giáo trình tiếng Anh. Giai đoạn ba (2 năm) mới có thể thực hiện dạy 100% các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất để đạt được mục tiêu vẫn là giải pháp để có đội ngũ giảng dạy có trình độ cao, phương pháp giảng dạy tiên tiến và xây dựng được giáo trình riêng bằng tiếng Anh.