Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy con văn hóa ứng xử

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào quán cà phê tối thứ Bảy, không ít người ngạc nhiên khi hai bạn còn tuổi học sinh vô tư cho cả... bốn chân lên ghế, tay cầm điếu thuốc lá phì phèo, hất hàm với người phục vụ: “Ê! cho hai cốc đen đá”. Mặc mọi người nhìn, họ mặc nhiên xem đó là chuyện bình thường.

Bước ra đường buổi sáng, thấy mấy thanh niên mặc đồng phục phóng xe phanh ken két ngay trước mặt một cụ già kèm theo câu gắt: “Mù à, ông già?”. Ông cụ lắc đầu, vội vã bước đi.
 Ảnh minh họa
Những câu chuyện ứng xử thiếu văn hóa như thế bây giờ không hiếm. Khi nhắc đến việc này, nhiều người hay nhắc đến chuyện ăn mặc chướng mắt của những thanh nữ, chuyện mở nhạc to vào giữa đêm khuya, cười đùa trêu chọc nhau ngay giữa đám tang, hay những cô cậu học trò thi nhau khắc tên lưu giữ kỷ niệm lên cả những danh lam thắng cảnh hay ghế đá, hàng cây… dù nhìn thấy biển cấm. Có rất nhiều cách cư xử lạ lùng trong cuộc sống, người trẻ cũng thiếu đi những câu chào, lời nói đúng mức, thiếu cả lòng trắc ẩn, sự cảm thông với người khác... Bởi thế khó có thể kể hết những hành vi ứng xử văn hóa đáng buồn của những người trẻ tuổi, một thế hệ đáng ra là tràn đầy văn hóa và tri thức.
Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều người cho rằng, không ít người thuộc thế hệ trẻ bây giờ có kiến thức rộng, tư duy nhạy bén... nhưng lại thiếu kỹ năng ứng xử đúng mực. Lý giải cho điều ấy, nhiều người cho rằng lỗi tại người trẻ một phần, lỗi nhiều hơn là từ người lớn và cách sống trong gia đình. Những bậc bố mẹ luôn quan tâm đến con cái sẽ chú trọng đến việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ, nhưng cũng có nhiều gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục điều này cho con cái. Bố mẹ chỉ chăm chăm vào việc làm sao con phải học thật giỏi, điểm thật cao, mà không hướng dẫn trẻ phải sống như thế nào. Người lớn cũng không phải lúc nào cũng là những tấm gương thật sáng cho các em noi theo. Không ít người lớn đối xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa…, những hành động xấu đó đã phản chiếu vào tâm hồn của trẻ em, làm cho các em trở nên cộc cằn, thô lỗ và trẻ có những suy nghĩ lệch lạc, chệch hướng trong cách ứng xử với những điều diễn ra quanh mình cũng là điều khó tránh.
Để trẻ có hành vi ứng xử và thái độ đúng đối với các mối liên quan trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người cho rằng, bản thân mỗi gia đình, từng người bố, người mẹ cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc rèn giũa cách ứng xử cho con. Không thể chủ quan khi cho rằng “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu như chúng thấy bố mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Bài học trực quan bằng chính cách sống, cách ứng xử hàng ngày của người lớn và gần gũi nhất là bố mẹ chính là một bài học tốt nhất để hình thành kỹ năng ứng xử cần thiết ở trẻ. Bởi thế, cùng với giáo dục bằng kiến thức, những người lớn tuổi phải làm gương, tự điều chỉnh hành vi của mình thì mới đáp ứng được vấn đề đạo đức, văn hóa và các mối quan hệ đặt ra trong phạm vi gia đình, từ đó lan tỏa ra xã hội.