Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đây là thời điểm thích hợp để đưa lãi suất về mức 4,5%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam tháng Ba vừa được Ngân hàng HSBC Việt...

Kinhtedothi - Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam tháng Ba vừa được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố ngày 3/3 nhấn mạnh, đây là thời cơ hợp lý để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 0,5% ngay trong tuần này, đưa lãi suất này về mức 4,5%.

Theo đó, các chuyên gia của HSBC dự báo lạm phát toàn phần sẽ duy trì ở mức dưới 1% trong năm tháng tới. Lạm phát cơ bản (không tính đến giá thực phẩm và chi phí vận chuyển) vẫn ổn định và trong tháng Hai tăng nhẹ đạt mức 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 2% trong tháng Giêng, vẫn là chỉ số tăng khá thấp. Chính vì vậy, lãi suất thực ở Việt Nam chuyển sang nguỡng tích cực.
HSBC hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm 0,5% lãi suất OMO. Nguồn: TTXVN
HSBC hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm 0,5% lãi suất OMO. Nguồn: TTXVN
Ngay cả khi lạm phát nhích dần lên trong những tháng tới, cơ sở giá cả thuận lợi và tác động kéo dài của giá dầu giảm thấp hơn sẽ hỗ trợ áp lực giá cả dịu xuống.

Lạm phát sẽ dần có xu hướng tăng vào nửa sau của năm 2015 do chi phí tiêu dùng xã hội cao hơn, giá điện có tiềm năng sẽ tăng, các hoạt động kinh tế mạnh hơn và cơ sở giá cả không thuận lợi. Chính vì vậy, trong ngắn hạn, lạm phát sẽ vẫn duy trì mức tăng thấp.

Theo tính toán của HSBC, cơ quan điều hành có thể giảm lãi suất OMO thêm 0,5% về 4,5% để giảm bớt chi phí vốn, tạo ra các điều kiện tín dụng nới lỏng hơn. Các chuyên gia HSBC cho biết, nếu Ngân hàng Nhà nước cắt giảm thêm lãi suất, điều đó sẽ không thúc đẩy áp lực lạm phát đáng kể khi sản lượng vẫn còn dưới mức tiềm năng.

"Chúng tôi chọn các hoạt động thị trường mở bởi vì chỉ số này có số liệu lịch sử đầy đủ cũng như các tác động của thị trường này đối với lãi suất thị trường trong ngắn hạn. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước ở Việt Nam có thể được nhấn mạnh vào ba giai đoạn: 2000-2007 là giai đoạn phát triển; 2008-2011 giai đoạn nới lỏng và tăng trưởng và giai đoạn 2012-2014 là giai đoạn thắt chặt," các chuyên gia phân tích.

Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích kỹ tình hình lãi suất OMO, lãi suất qua đêm thời gian qua để thấy rằng nhà điều hành nên giảm lãi suất OMO trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất OMO thường cao hơn mức lãi suất qua đêm kể từ năm 2011. Điều đó có nghĩa rằng thanh khoản tiền đồng thặng dư và có ít ngân hàng tận dụng kênh thị trường mở OMO vì họ có thể tiếp cận thị trường qua đêm để có mức lãi suất tốt hơn.

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn không giảm lãi suất, HSBC cho rằng có thể do Ngân hàng Trung ương đang điều hành thận trọng vì giá dầu đang khá bấp bênh. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khuynh hướng tăng lãi suất trong năm nay. Thêm nữa là nhu cầu trở nên ổn định và nửa năm sau 2015 sẽ có các hiệu ứng giá cả không thuận lợi chờ đợi. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn kỳ vọng động thái trên có thể được thực hiện ngay trong tuần này.

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, về cơ bản vẫn giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay, nếu trong điều kiện thuận lợi hơn, có thể giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1-1,5% để tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ mới.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định điều hành lạm phát năm nay hết sức phức tạp. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết kiềm chế lạm phát ở mức dưới 5% nhưng hiện nay có ý kiến cho rằng có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn nữa như năm 2014 vừa rồi.

Cũng có ý kiến khác cho rằng hoàn toàn không chủ quan với mục tiêu đó bởi vì đạt được 5% là một khó khăn, thách thức. “Dưới góc độ phân tích và trực tiếp làm công tác này, chúng tôi thấy đồng tình với hai luồng ý kiến đó. Điều đó thể hiện trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước và chúng tôi sẽ lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát 5% là cốt lõi, nếu điều kiện cho phép hạ xuống thấp hơn một chút và chúng tôi cũng sẽ điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu đó. Nếu đạt được mục tiêu đó thì sẽ có dư địa để hạ mặt bằng lãi suất,” Thống đốc nhấn mạnh.