Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh chuyển đổi số Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 16/8, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học: Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022).

Bảo quản hơn 35.000 tài liệu hiện vật

Được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 28/7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam với nội dung tập trung vào tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam. Chỉ sau 3 năm thành lập (2017-2020), Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã hoàn thành không gian trưng bày thường xuyên, chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020 và trở thành một địa chỉ tham quan sôi nổi.

Trải qua 5 năm thành lập và đưa vào hoạt động từ con số 636 tài liệu, hiện vật khi vừa tiến hành Đề án xây dựng Bảo tàng; đến nay Bảo tàng đã sưu tầm, bảo quản được hơn 35.000 tài liệu hiện vật.

Toàn cảnh buổi toạ đàm Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Ngọc Tú.
Toàn cảnh buổi toạ đàm Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Ngọc Tú.

Sau hai năm mở cửa đón khách, tính đến tháng 7/2022, Bảo tàng đã đón hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên facebook, hàng trăm nghìn lượt truy cập webside của Bảo tàng. Một số cơ quan báo chí lớn đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề ngay tại Bảo tàng và tiếp tục nhiệt tình hiến tặng thêm nhiều hiện vật, tư liệu mới.

Cùng với đó Bảo tàng đã biên soạn, xuất bản một cuốn sách tư liệu về lịch sử báo chí; thực hiện thành công hai đề tài nghiên cứu khoa học, sản xuất 250 phim tư liệu và clip về chân dung các nhà báo, các giai đoạn lịch sử báo chí. Trong đó có chùm phim đoạt Giải B, Giải búa liềm vàng năm 2021 và một phim được nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, 2021.

Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, ngoài những thành tích nổi bật đã làm được, Bảo tàng đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc khảo sát, định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên.

“5 năm là một chặng đường chưa dài nhưng với những người làm công tác bảo tàng thì đây là một chặng đường đặt nền móng đầy ý nghĩa. Kết quả đạt được trong 5 năm qua là tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và công chúng báo chí” – bà Trần Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa

Bảo tàng đang lưu giữ một khối lượng tài sản báo chí quý nhưng việc khai thác, phát huy giá trị của các di sản này đang rất khiêm tốn. Để thích ứng cũng như đồng bộ hóa nguồn dữ liệu, học liệu theo hướng liên thông giữa các bảo tàng, đảm bảo yêu cầu chất lượng đáp ứng những yêu cầu cấp thiết, Bộ VHTT&DL đã đề nghị các bảo tàng triển khai xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong những hoạt động.

Các đại biểu tham dụ buổi toạ đàm Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Ngọc Tú.
Các đại biểu tham dụ buổi toạ đàm Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và Thông tin tư liệu (Cục Di sản văn hóa) Nguyễn Hải Ninh, số hóa đang là một yêu cầu cần và đủ cho sự phát triển của ngành bảo tàng. Trong đó Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất cần những định hướng có tính khoa học và thực tiễn, rất cần được bổ sung thêm các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực có chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo tàng.

Ngoài những thành tựu đạt được trong 5 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam vẫn  còn những hạn chế như. Công tác sưu tầm vẫn rất nặng nề; các không gian trưng bày cố định chưa có sự đột phá mạnh mẽ. Bảo tàng chưa thu hút được khách tham quan ngoài ngành. Vì thế cần tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để bắt kịp sự chuyển đổi công nghệ trưng bày, đặc biệt là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, với định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tiếp tục làm phong phú kho tư liệu, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên để đưa ra phương pháp sưu tầm và lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng.

 

“Những kỷ vật, tấm gương, câu chuyện về báo chí cách mạng Việt Nam vẫn chưa được khai thác nhiều. Cách thức sắp xếp, trang trí tại Bảo tàng cần có thêm tính sáng tạo, đổi mới… cần nghiên cứu cách thức xây dựng của các nước trên thế giới, tổ chức nhiều hoạt động những phải đa dạng hoá hơn” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.