Lương hỗ trợ ngừng việc đến tay gần 49.000 lượt người lao động
Theo đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính do tác động của dịch Covid-19 sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc cho người lao động và phục hồi sản xuất. Nguồn vốn cho vay được NHCSXH triển khai thông qua kênh tái cấp vốn của NHNN.
Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, DN có thể vay vốn một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Nếu vay để trả lương ngừng việc, người lao động của DN phải ngừng việc từ 15 ngày trở lên, đang tham gia bảo hiểm xã hội và DN không có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng trong, ngoài nước.
Trước đó, ngày 21/7, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 10 quy định về tái cấp vốn đối với NHCSXH. Thông tư được ban hành trên cơ sở thực hiện theo quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, NHNN tái cấp vốn đối với NHCSXH Việt Nam để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất là 0%/năm, thời hạn là 364 ngày.
Nói rõ hơn về chính sách cho vay được triển khai lần này, NHCSXH Việt Nam cho biết ngoài cho vay trả lương cho người lao động bị ngưng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN còn được vay để phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể về vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, DN buộc phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng dịch, nay hoạt động trở lại cũng được vay gói 7.500 tỷ đồng để trả lương cho người lao động. Mặt khác, các DN hoạt động trong khu vực vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú không cần có yêu cầu ngừng việc, có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và đủ điều kiện thì sẽ được vay gói tín dụng ưu đãi này.
Tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 17/8 giữa NHCSXH Việt Nam với các chi nhánh địa phương, thông tin cho biết tính đến ngày 17/8, đã có 51 chi nhánh tỉnh, TP thực hiện giải ngân cho 267 người sử dụng lao động với số tiền gần 170 tỷ đồng để trả lương cho 48.737 lượt người lao động. Tuy vậy, với việc mới giải ngân được 170 tỷ đồng/7.500 tỷ đồng sau gần một tháng triển khai, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng này mới đạt khoảng 2,2%.
Phải khẩn trương, linh hoạt chi trả hỗ trợ cho lao động mùa dịch
Theo đánh giá của lãnh đạo NHCSXH, hiện một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều người sử dụng lao động chưa liên hệ để làm hồ sơ đề nghị vay vốn. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đang gặp vướng mắc trong việc xác định nhà máy phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong số các địa phương, Bắc Giang là địa phương được NHCSXH giải ngân cho vay cao nhất cả nước. Ngoài Bắc Giang, các địa phương khác như Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định… cũng đã thực hiện giải ngân gói hỗ trợ này.
Tại Hà Nội, tính đến ngày 9/8/2021, NHCSXH TP Hà Nội giải ngân cho vay số tiền 5,507 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 1.246 lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Phó Giám đốc NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, mặc dù TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, nhưng cán bộ ngân hàng bằng các giải pháp công nghệ thông tin, email, các ứng dụng trên điện thoại Zalo, Viber… vẫn tích cực giải đáp, giúp đỡ người sử dụng lao động tìm hiểu chính sách vay vốn này và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn để kịp thời giải ngân, giúp người sử dụng lao động có nguồn vốn trả lương cho lao động ngừng việc. Trong thời gian tới, chi nhánh NHCSXH TP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan tiếp tục tuyên truyền phổ biến chính sách, đặc biệt là phối hợp với cơ quan BHXH, cơ quan thuế để hướng dẫn người sử dụng lao động trong việc hoàn thiện hồ sơ kịp thời để giải ngân nhanh nhất.
Ông Phạm Ngọc Thập - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Anh ngữ APAX- đơn vị được vay vốn đợt này cho biết, đây là một chính sách rất quan trọng và kịp thời của Chính phủ để hỗ trợ các DN trong lúc dịch bệnh vô cùng khó khăn này. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ kịp thời đến cán bộ nhân viên để chúng tôi tiếp tục củng cố DN, giữ vững và phát triển trong thời gian tới” - ông Thập bày tỏ.
Tuy vậy, một số DN khác cho rằng, quy định người lao động phải ngừng việc tối thiểu 15 ngày liên tục là rất khó đáp ứng. Trên thực tế, để bảo đảm thu nhập cho người lao động và duy trì hoạt động sản xuất, nhiều DN phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên theo ngày, hoặc theo tuần với người lao động. Ngoài ra, điều kiện để tiếp cận gói tín dụng này cũng là DN không có nợ xấu tại ngân hàng.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH Trần Văn Tiên, thời gian qua chi nhánh đã phối hợp các bên liên quan nhằm tuyên truyền chính sách và quy trình thủ tục cho vay. Hiện đang có nhiều công ty có nhu cầu vay vốn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để giải ngân. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được kiểm soát, hệ thống NHCSXH TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục để đáp ứng nhu cầu vay tín dụng chính sách theo quy định.
Đánh giá cao NHCSXH trong việc nhanh chóng, tích cực triển khai chính sách ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết, Quyết định. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, việc triển khai phải thúc đẩy hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt như hiện nay. Việc triển khai chính sách không chỉ nỗ lực của các cán bộ trong hệ thống NHCSXH mà cần có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị.
Chủ động tiếp cận và hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện việc lập hồ sơ vay vốn, xác định đúng đối tượng cho vay đến khâu triển khai giải ngân vốn kịp thời và giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Trong bối cảnh dịch bệnh, cần tăng cường ứng dụng CNTT trong khâu đăng ký, thẩm định. Các tỉnh, TP đang trong khu vực thực hiện Chỉ thị số 16 thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, bưu điện để tiếp nhận, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ.