Việt Nam – Hàn Quốc:

Đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo

Như Hương (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước có văn hóa tương đồng, cùng mục tiêu hướng đến phát triển và hòa bình chung của châu Á cũng như trên toàn thế giới.

Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc hiện nay đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện kể từ năm 2022. Trong những năm tiếp theo, hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo sẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc mạnh mẽ, lên tầm cao mới.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ góc nhìn thành công của Hàn Quốc

Những năm gần đây, công nghiệp văn hóa đã trở thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tài nguyên đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp này là sự sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa để lan tỏa sức mạnh mềm, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh: Internet.
Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh: Internet.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thống kê, doanh thu toàn cầu hằng năm của các ngành công nghiệp văn hóa vào khoảng 2.250 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 250 tỷ USD. Lĩnh vực này cũng cung cấp gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới và tuyển dụng số lượng lao động trong độ tuổi từ 15 đến 29, hơn bất kỳ ngành nghề nào khác. Các chuyên gia của UNESCO cho rằng, chính vì vai trò quan trọng của sáng tạo, nhiều quốc gia xem ngành công nghiệp văn hóa như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa.

Các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa đã tạo cơ hội, khuyến khích các lực lượng sáng tạo, nhất là giới trẻ khai thác, biến tài nguyên văn hóa thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị. Sáng tạo là chìa khóa giúp mở ra những giá trị mới và lan tỏa tới cộng đồng bằng sự đa dạng về văn hóa, lịch sử được tạo dựng trong hàng nghìn năm.

Hàn Quốc đã nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng. Ảnh: Internet
Hàn Quốc đã nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng. Ảnh: Internet

Điển hình, Hàn Quốc đã nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc từ những năm 1990, được đặt tên là “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc”. Với sự phổ biến rộng rãi của các lĩnh vực K-pop, K-film hay K-beauty tại thị trường Việt Nam, Hàn Quốc đang đưa ngành công nghiệp thời trang của mình lên một tầm cao mới, vươn khỏi phạm vi quốc gia, ra khu vực và thế giới. 

Ngày nay, nền công nghiệp văn hóa tại Hàn Quốc được đánh giá ở vị trí hàng đầu khu vực châu Á với hệ thống trung tâm văn hóa rộng khắp cũng như mạng lưới thành phố sáng tạo. Trong số đó, đáng chú ý là thành phố Busan. Thông qua ảnh hưởng ban đầu của văn hóa phương Tây, Busan đã phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp điện ảnh và là thành phố đầu tiên của Hàn Quốc phát hành phim điện ảnh. Với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và nguồn nhân lực chuyên nghiệp, Busan hiện là một tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp điện ảnh khu vực.

Nhiều hoạt động của Ngày hội Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam thu hút người dân. 
Nhiều hoạt động của Ngày hội Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam thu hút người dân. 

Về lĩnh vực văn hóa, hiện nay Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việt Nam luôn mong muốn học tập các kinh nghiệm quý báu về quá trình xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ cao vì đây là các lĩnh vực rất thành công của Hàn Quốc.

Năm 2020, với việc thành lập Văn phòng đại diện Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) tại Việt Nam, Hàn Quốc đã xúc tiến phát triển sản xuất và hợp tác nội dung sáng tạo giữa hai nước. KOCCA Việt Nam đã tiến hành nhiều dự án đa dạng như mở các kênh quảng bá, tổ chức buổi công chiếu phim hoạt hình Hàn Quốc tại Việt Nam, sự kiện B2B Matching dưới hình thức online, buổi biểu diễn âm nhạc online Việt - Hàn, và tiến hành điều tra khuynh hướng của Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) trong mùa dịch Covid-19...

Trong thời gian qua, hai nước thường xuyên tổ chức các Tuần Văn hóa, Lễ hội Văn hóa và các sự kiện quảng bá trên từng lĩnh vực với nhiều cấp độ, đã để lại những dấu ấn sâu rộng trong quan hệ hợp tác giao lưu văn hóa, giúp cho Nhân dân hai nước hiểu hơn về nền văn hoá của Việt Nam và Hàn Quốc. Tại các khu trưng bày không gian văn hóa của Việt Nam, các sản phẩm độc đáo như chuồn chuồn tre, nón lá…, địa danh du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Hội An, Điện Biên… và những loại hình biểu diễn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam được giới thiệu và thu hút sự yêu thích của người dân Hàn Quốc, góp phần tăng cường và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác văn hoá, giao lưu Nhân dân và du lịch giữa hai nước.

Hà Nội - Thành phố sáng tạo được UNESCO vinh danh.
Hà Nội - Thành phố sáng tạo được UNESCO vinh danh.

Với sự phát triển mạnh mẽ trong việc giao lưu giữa hai nền kinh tế và Nhân dân hai nước, trong những năm qua, người Hàn Quốc- Việt Nam đã thành lập những gia đình đa văn hoá. Hai nước đều đang nỗ lực tập trung nghiên cứu để tuyên truyền, quảng bá nét đẹp của các gia đình đa văn hóa này, làm sao để có thể xây dựng hạnh phúc gia đình khi mỗi người đến từ một quốc gia khác nhau và làm sao để văn hóa của mỗi dân tộc vẫn được lưu truyền trong các gia đình đó.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác văn hóa với Việt Nam, nhiều bản ghi nhớ chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả và thực chất giữa Hàn Quốc với Bộ VHTTDL Việt Nam được đề xuất ký kết. Trong đó có chương trình nghiên cứu, xây dựng và kết nối phát triển các thành phố sáng tạo Việt Nam - Hàn Quốc; Chương trình hợp tác đào tạo và tập huấn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc; Hỗ trợ xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Đào tạo, kết nối chuyên gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Dự án, chương trình cụ thể theo đề xuất của phía Việt Nam và khả năng đáp ứng của phía Hàn Quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và các thành phố sáng tạo ở Việt Nam.

Kết nối các lĩnh vực phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo

Thành phố sáng tạo trong tiếng Anh được gọi là Creative City. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội. Giá trị cốt lõi của thành phố sáng tạo vừa là trụ cột của công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo, vừa quy tụ và thu hút tầng lớp sáng tạo cũng như sự tham gia của cộng đồng, tạo nên các sản phẩm văn hóa cho người dân. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, bằng sự đầu tư có trọng điểm và chọn lọc cùng quyết tâm cao của Chính phủ, sự bứt phá về khoa học và công nghệ dẫn đến sự phát triển tăng tốc thần kỳ của Hàn Quốc khiến các cường quốc từ ngỡ ngàng đến thán phục với sự lớn mạnh của các công ty hàng đầu thế giới.

Samsung là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua. Ảnh: haiquanonline
Samsung là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua. Ảnh: haiquanonline

Năm 2009, Hàn Quốc đã hình thành "Mạng lưới nghiên cứu kinh tế sáng tạo Hàn Quốc" nhằm thảo luận và thống nhất xây dựng nền kinh tế sáng tạo. Năm 2014, Hàn Quốc xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng 30 quốc gia có nền kinh tế sáng tạo nhất của Bloomberg. Cho đến năm 2020, Diễn đàn Kinh tế thế giới mô tả Hàn Quốc có “năng lực sáng tạo đáng chú ý” và xếp hạng quốc gia này ở vị trí thứ 17 trên toàn cầu (KISDI, 2020).

Đến nay, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam, chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp điện tử, nông nghiệp chất lượng cao. 

Du khách Hàn Quốc tham quan Phố cổ Hội An. Ảnh: Internet.
Du khách Hàn Quốc tham quan Phố cổ Hội An. Ảnh: Internet.

Trong đó, nổi bật là sự tham gia của tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam vẫn đạt 65 tỷ đô la. Sắp tới, tập đoàn sẽ cấp 80 suất học bổng hỗ trợ cho sinh viên thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao  tại trường TDTT Bắc Ninh và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc tại Thái Nguyên, nơi Samsung có nhà máy, mỗi suất 8 triệu đồng/1 năm, tổng số tiền hỗ trợ cho hai trường là 640 triệu đồng/năm bắt đầu từ tháng 9/2023. 

Diễn đàn Đô thị văn hóa hội tụ CICON Hanoi 2022.  Ảnh: Internet.
Diễn đàn Đô thị văn hóa hội tụ CICON Hanoi 2022.  Ảnh: Internet.

Trước đó, tại Diễn đàn Đô thị văn hóa hội tụ CICON Hanoi 2022 do Korea CEO Summit (KCS) và Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức ở Hà Nội nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc và Việt Nam, gần 300 đại biểu, doanh nhân Hàn Quốc và Việt Nam đã chia sẻ về những vấn đề liên quan đến những thách thức và cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế giữa hai nước. Đặc biệt, vấn đề hợp tác kinh tế nhằm phát triển ngành công nghiệp hội tụ văn hóa đô thị được cả các đại biểu quan tâm. 

Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp hội tụ - CICON HCMC 2023. Ảnh: Internet.
Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp hội tụ - CICON HCMC 2023. Ảnh: Internet.

Ngày 7/6/2023, tại TP Hồ Chí Minh, hơn 500 lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân Hàn Quốc và Việt Nam tham gia Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp hội tụ - CICON HCMC 2023 có chủ đề "Xây dựng đô thị thông minh - văn hóa - hội tụ tại TP Hồ Chí Minh”. Sự kiện góp phần giúp hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc mở rộng cơ hội tham gia vào lĩnh vực đô thị thông minh và ngành công nghiệp chuỗi khối, đồng thời xây dựng mạng lưới doanh nghiệp giữa Việt Nam - Hàn Quốc và cung cấp cơ hội đầu tư và kinh doanh online. Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tiết lộ, với mục tiêu xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại, người dân có nếp sống văn minh và nghĩa tình, TP Hồ Chí Minh sẽ chọn TP Thủ Đức để triển khai các giải pháp ban đầu, qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Mới đây nhất, nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) Yoon Suk Yeol và Phu nhân đã tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6/2023. Trong chuyến thăm này, hai bên hoan nghênh việc ký Thỏa thuận hợp tác Quỹ Xúc tiến kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị của Việt Nam. Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là “Đối tác Chiến lược” về ODA, mở rộng hơn nữa quy mô viện trợ không hoàn lại, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, y tế, môi trường; mở rộng các hình thức hợp tác ODA không ràng buộc và nhiều ưu đãi với mức độ tương tự như EDPF….

Kế thừa các thành tựu to lớn đã đạt được trong hơn 30 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang có một nền tảng vững chắc, những điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển to lớn để nâng tầm thành Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong giai đoạn mới, đặc biệt trong lĩnh vực phát triẻn công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo.