Đẩy mạnh hợp tác tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với Hòa Bình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/9, Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở NN&PTNT Hòa Bình đã đi thăm quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình như nuôi cá lòng hồ tại xã Thung Nai, trồng cam tại thị trấn Cao Phong.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác xúc tiến thương mại nông sản giữa hai địa phương nhằm đưa các nông sản an toàn của Hòa Bình về tiêu thụ Thủ đô.
Thăm mô hình nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Thăm mô hình nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, su su Tân Lạc, chè Shan Tuyết tại Mai Châu… Hàng năm tỉnh sản xuất được 26 triệu cây mía tím, mía ép nước, hơn 150.000 tấn rau đậu các loại, hơn 5.000 tấn cá…
Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản được chứng nhận chất lượng còn khiêm tốn, mới áp dụng trên 135ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn và Viet GAP chiếm hơn 1% diện tích sản xuất hàng năm. Tỷ lệ sản phẩm lưu thông trên thị trường có bao bì, nhãn mác, xuất xứ chỉ dẫn địa lý không cao, mới có sản phẩm cam tại huyện cao Phong, su su Tân Lạc…

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp của Hà Nội đã trao đổi những yêu cầu về chất lượng, sản lượng một số sản phẩm như: Cá lòng hồ, cam Cao Phong, rau an toàn… để đưa vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, qua thăm thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp tại Hòa Bình cho thấy, đây là địa phương có nhiều nông sản an toàn, nông sản đặc sản phù hợp với nhu cầu thị trường Hà Nội. Việc hợp tác giữa hai địa phương nhằm cắt bớt khâu trung gian thương lái để đưa nông sản an toàn về Hà Nội, giúp người tiêu dùng được mua giá hợp lý hơn, người sản xuất có lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, để chương trình hợp tác bền vững, phía cơ quan quản lý Nhà nước của Hòa Bình cần tích cực vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ người sản xuất triển khai sản xuất theo hướng an toàn có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Bởi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa nông sản thực phẩm về tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm của Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần