Đẩy mạnh phân cấp để phát triển hạ tầng giao thông

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình phát triển đô thị, thời gian qua, TP Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ nhiều tuyến giao thông trên địa bàn các quận huyện.

Cùng đó nhiều tuyến đường đô thị chật hẹp, xuống cấp tại các khu vực đông dân cư cũng có quyết định mở rộng, nâng cấp. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường hiện đang rất chậm do cơ chế phân cấp.
Giao thông vẫn là “nút thắt” phát triển

Hai phường ngoài đê của quận Hoàn Kiếm là Chương Dương và Phúc Tân với diện tích rộng 173ha, dân số 28.000 người, là hai phường có quỹ đất rộng và đông dân nhất quận nhưng hạ tầng lại đang rất xuống cấp, nhất là các tuyến giao thông chủ yếu là đường ngang, ngõ hẹp. Điều này không những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà bộ mặt đô thị cũng rất nhếch nhác, lộn xộn.
 Đường giao thông tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Duy Anh
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, trước thực trạng này, quận đã kiến nghị UBND TP Hà Nội phân cấp cho quận thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các trục đường trên địa bàn hai phường Chương Dương và Phúc Tân ở khu vực ngoài đê sông Hồng lên 17,5 - 18m, từ nguồn vốn ngân sách của quận. Cụ thể là mở rộng ngõ 221 đường Hồng Hà, đồng thời mở thêm cửa khẩu tại đê bê tông, kết nối ngõ 221 đường Hồng Hà với phố Hàng Khoai; mở rộng đường Thanh Yên và cửa khẩu hiện có; mở rộng đường Hàm Từ Quan kết hợp với hầm chui qua đê; mở rộng đường Chương Dương Độ kết hợp với hầm chui qua đê rộng 18,25m; mở rộng và nắn thẳng đường Cầu Đất kết hợp với hầm chui nối thẳng ra phố Tràng Tiền; mở rộng, cải tạo, kéo dài đường dân sinh hiện có chạy dọc sông Hồng... nhằm làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao năng lực giao thông khu vực, chống lấn chiếm bãi ven sông Hồng.

Với mục tiêu nằm trong đô thị trung tâm, quận Hoàng Mai đang tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tuyến được đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến đường giao thông trọng điểm, quan trọng, mang tính kết nối hạ tầng khung của quận thuộc thẩm quyền đầu tư của thành phố bị chậm triển khai nhiều năm.
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, trước thực tế này quận đã đề nghị thành phố giao cho quận làm chủ đầu tư thực hiện một số các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, bằng nguồn vốn ngân sách của quận. Cụ thể, hai tuyến đường có mặt cắt từ 22,5 - 30m là tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên nối tiếp, đoạn từ đường 2,5 đến đường Vành đai 3 và tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tầu đến đường Giải Phóng, thuộc dự án khu chức năng đô thị Trũng Kênh.

Còn tại 5 huyện có đề án xây dựng lên quận vào năm 2025 là Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, cho đến nay đều chưa đạt về tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị. Để sớm đạt được tiêu chí này, các huyện đều kiến nghị thành phố phân cấp cho địa phương được đầu tư lĩnh vực giao thông. Điển hình tại huyện Đan Phượng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phạm Văn Khôi cho biết, nhiều tuyến đường khung trên địa bàn kết nối khu vực đã được thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ nhưng chưa được đầu tư xây dựng như đường liên khu vực số 1 có mặt cắt 40 - 50m, chiều dài qua huyện 3,4km; đường liên khu vực số 2, mặt cắt 50m, chiều dài tuyến qua huyện 3,46km; đường liên khu vực số 3, mặt cắt 30 - 50m, chiều dài tuyến qua huyện 3,34km… Do đó, huyện đã đề xuất thành phố có cơ chế giao cho huyện triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường trên, nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất trong khu vực.

Giao quyền cho các quận, huyện

Ùn tắc, quá tải hạ tầng giao thông vẫn luôn là vấn đề nóng của Thủ đô Hà Nội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, sự phát triển đô thị và nỗ lực nâng cao chất lượng sống của người dân. Không thể phủ nhận nỗ lực của TP Hà Nội trong việc đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông những năm gần đây. Tuy nhiên, tiến độ ì ạch của các dự án trọng điểm, cùng với việc hiện thực hóa quy hoạch nhiều tuyến đường chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa đã khiến cho giao thông Thủ đô thật sự bức bối, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn để cải thiện tình trạng này.

Các chuyên gia đều khẳng định, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh nên cần cơ chế phù hợp để phát huy hơn nữa các nguồn lực. Trong đó, thành phố cần đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho quận, huyện, trước hết là thực hiện các tuyến đường giao thông khu vực, liên khu vực như đề xuất của quận, huyện. Đặc biệt, tại 5 huyện chuẩn bị lên quận, việc phân cấp này sẽ huy động được mọi nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu đô thị hóa.
Tại buổi làm việc với Huyện ủy Thường Tín vào cuối tháng 6 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, quan điểm, chủ trương chung của Thành ủy là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, đề cao ý thức tự chịu trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã cả về công tác cán bộ và lĩnh vực khác. Việc nào địa phương, cơ sở có thể làm tốt, thành phố sẽ giao ngay, trước mắt là các dự án về giao thông.

Hiện UBND TP Hà Nội đang triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó thành phố đã đề ra những mục tiêu cụ thể liên quan đến lĩnh vực giao thông như chỉnh trang, hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến; đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận.. Để các mục tiêu này sớm được hoàn thành, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, trong khi ngân sách thành phố đang hạn hẹp thì nên phân cấp cho quận nào đủ điều kiện kinh tế tự bỏ kinh phí chỉnh trang, thảm lại mặt đường các tuyến phố.
Tại Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” đã đề ra 6 nhiệm vụ. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát huy tính tự chủ, chủ động khai thác, phát huy nguồn lực từ cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững hạ tầng kinh tế - xã hội của cấp huyện. Hoàn thành rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện các quy định phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn, sửa đổi các quy định phân cấp quản lý chưa phù hợp; xây dựng đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, xác định tỷ lệ phân chia nguồn thu và định mức phân bổ ngân sách thời kỳ ổn định mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần