Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền phường trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị

Kinhtedothi- Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó, sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính (ĐVHC), tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền...

Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND

Tờ trình về Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình tại Kỳ họp cho biết, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều ( So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành gồm 50 điều thì dự thảo Luật (sửa đổi) dự kiến có 54 điều (tăng 4 điều).

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trong đó, bỏ 3 điều liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện; bỏ 1 điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để chuyển nội dung này vào điều quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các ĐVHC.

Bổ sung 8 điều mới do tách quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh với thành phố trực thuộc Trung ương và của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND xã với phường để quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tại các ĐVHC theo từng lĩnh vực; tách quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đặc khu và quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và áp dụng đặc thù đối với chính quyền địa phương ở đặc khu (1 điều mới); bổ sung quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Sửa đổi, bổ sung 42 điều để phù hợp với việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 02 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Dự thảo Luật sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, quy định, cấp tỉnh gồm: tỉnh, thành phố; cấp xã gồm: xã, phường và đặc khu (ở hải đảo); đối với ĐVHC kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Theo đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh: ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… của địa phương. Chính quyền địa phương cấp xã: thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Dự Luật cũng quy định rõ, chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo.

Về sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, theo Dự thảo Luật, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh phù hợp với việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh (số lượng đại biểu HĐND tỉnh được bầu tăng tối đa từ 75 lên 90 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND thành phố được bầu tăng tối đa từ 85 lên 90 đại biểu; HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được bầu 125 đại biểu (bằng số quy định tại Luật Thủ đô áp dụng cho TP Hà Nội).

Đối với chính quyền địa phương cấp xã: Quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; quy định số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối thiểu là 15 đại biểu và tối đa là 35 đại biểu.

UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của ĐVHC cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Theo Dự thảo Luật, căn cứ các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại ĐVHC ở nông thôn, đô thị, hải đảo, Chính phủ quy định việc UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã về ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày thẩm tra Dự thảo Luật tại kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 2 cấp sang 2 cấp, Dự thảo Luật quy định, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các Luật, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị và quy định chuyển tiếp việc tổ chức chính quyền địa phương tại phường thuộc TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026 (tại các địa phương này đang thực hiện tổ chức chính quyền đô thị

Quy định các nội dung để giải quyết các vấn đề phát sinh, các nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp theo quy định tại Luật này.

Thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời tán thành việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc sáng 7/5. Ảnh: Quochoi.vn

Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong Dự thảo Luật.

Trong đó, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các trường hợp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã; có cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn để UBND cấp xã có thể giao cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, thậm chí là cả công chức thuộc UBND cấp mình thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, nhất là đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn để bảo đảm kịp thời giải quyết các hồ sơ, công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Trên cơ sở đó xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có liên quan khác để tiếp tục làm rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trong từng lĩnh vực chuyên ngành, nhất là các luật dự kiến cũng được trình Quốc hội xem xét, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong Kỳ họp thứ 9.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho biết, Uỷ ban cho rằng, nên tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp của Dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để bao quát hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện). Qua đó, tránh bỏ sót, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự kiến cấp huyện kết thúc hoạt động từ 1/7/2025

Trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự kiến cấp huyện kết thúc hoạt động từ 1/7/2025

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lý do chỉ định chức danh thuộc HĐND, UBND tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp

Lý do chỉ định chức danh thuộc HĐND, UBND tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp

07 May, 10:05 PM

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy khẳng định: những sửa đổi này nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, một nhiệm vụ đang được chúng ta thực hiện tích cực và đạt hiệu quả cao.

Thủ tướng: Trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân ngay tại Kỳ họp thứ 9

Thủ tướng: Trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân ngay tại Kỳ họp thứ 9

07 May, 09:56 PM

Kinhtedothi - Chiều 7/5, với tinh thần khẩn trương triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ khai trương vào ngày 9/5

Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ khai trương vào ngày 9/5

07 May, 09:54 PM

Kinhtedothi - Lễ khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức được khai trương vào chiều 9/5, tại Cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số TP Hà Nội (số 17 Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội).

Tạo cơ chế thúc đẩy giao thoa, chuyển đổi giữa lao động khu vực công và tư nhân

Tạo cơ chế thúc đẩy giao thoa, chuyển đổi giữa lao động khu vực công và tư nhân

07 May, 09:27 PM

Kinhtedothi - Rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển và hiểu biết lẫn nhau giữa khối lao động Nhà nước và tư nhân. Đại biểu Quốc hội đề nghị lần sửa đổi này của Luật Cán bộ, công chức phải tạo cơ chế để thúc đẩy giao thoa lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân; thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương về vấn đề này.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ