Năm 2014, Bộ Công Thương đã gắn biểu trưng “Thương hiệu quốc gia” cho 68 DN, nhưng hiện có nhiều DN lớn lại không được gắn biểu trưng này. Vậy, Bộ Công Thương dựa trên những tiêu chí đánh giá nào khi gắn biểu trưng cho DN, thưa ông?
- Mặc dù trong cộng đồng DN Việt Nam hiện có nhiều DN có tiềm lực kinh tế lớn nhưng lại không thỏa mãn được các tiêu chí của Chương trình. Chẳng hạn, một số DN khi đặt tên cho sản phẩm của mình thấy ổn nhưng khi ra quốc tế lại không dễ đọc đối với người nước ngoài, trong khi tiêu chí kỹ thuật của thương hiệu là phải dễ nhìn, dễ đọc, dễ nghe, dễ nhớ; nhiều thương hiệu của DN trong nước không đăng ký thương hiệu tại những nước có hàng xuất khẩu. Trong khi đây là một trong những tiêu chí xét duyệt Thương hiệu quốc gia. Hơn nữa, Chương trình chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu để phát triển ra nước ngoài. Tuy nhiên, tôi khẳng định, đây là chương trình duy nhất được Chính phủ xây dựng, quảng bá nên các tiêu chí để chọn thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia được đưa ra đấu thầu quốc tế để từ đó xây dựng bộ tiêu chí với 1.000 tiêu chuẩn nhỏ với chuẩn mực cao.
Năm 2015 là năm thứ 4, Bộ Công Thương thực hiện Chương trình, tuy nhiên thương hiệu của các DN đã được vào “top” Thương hiệu quốc gia vẫn chỉ mang tầm quốc gia, chưa đủ sức vươn ra thế giới. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
- Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập nhanh. Tuy nhiên với cộng đồng DN mới được hình thành trong khoảng 10 năm trở lại đây, DN Việt Nam có những hạn chế về kiến thức, hiểu biết và năng lực kinh doanh quốc tế, đặc biệt là vấn đề thương hiệu cho sản phẩm là không thể tránh khỏi và cần có thời gian để bù đắp những thiếu hụt đó. Bên cạnh đó, đa phần các DN Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên chưa thể vươn ra thế giới là điều thực tế. Như vậy, việc xây dựng thương hiệu cũng cần có thời gian, không thể định lượng bằng một mốc cụ thể, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Trong những năm gần đây, xuất hiện khá dày đặc các chương trình bình chọn, tôn vinh DN một cách đơn thuần cũng khiến DN cho rằng Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng chỉ tôn vinh DN một cách đơn thuần nên không tham gia. Tôi cũng thừa nhận, mặc dù Chương trình đã bước sang năm thứ 4 nhưng do hoạt động tuyên truyền, quảng bá chưa thực sự mạnh mẽ nên nhiều DN chưa nắm, hiểu được chương trình này sẽ mang lại lợi ích gì cho họ.
Một trong những mục tiêu chính của Chương trình Thương hiệu quốc gia là đưa thương hiệu Việt có được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu. Vậy, để làm được điều này, theo ông, DN cần đáp ứng những điều kiện cần và đủ như thế nào?
- Có thể nói, để thương hiệu Việt nói chung và thương hiệu DN nói riêng có được chỗ đứng trên toàn cầu phải bắt nguồn từ chính DN. Nói như vậy là bởi trước hết DN phải có mặt hàng đáp ứng được chất lượng của từng quốc gia mà DN đó hướng tới. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối cũng là điều DN phải tính đến khi muốn “đem chuông đi đánh xứ người”. Muốn làm được những điều đó, DN phải xây dựng được nguồn nhân lực có tâm và đủ tầm với một chiến lược thương hiệu cụ thể.
Nhà nước không làm thay DN nhưng sẽ hỗ trợ bằng việc xây dựng các chính sách và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ cụ thể mà một ví dụ cụ thể là Chương trình Thương hiệu quốc gia mà Cục XTTM đang triển khai.
Thưa ông, DN khi được công nhận là Thương hiệu quốc gia sẽ được hỗ trợ như thế nào trong quá trình quảng bá?
- Trong thời gian qua, với việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã ký khá nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nên việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của DN và Thương hiệu quốc gia ngày càng quan trọng. Bởi khi thị trường thế giới đã mở rộng nếu DN không xây dựng được thương hiệu thì cũng không thể tiến ra thị trường thế giới.
Chính vì vậy, để hỗ trợ những DN đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục XTTM sẽ tập trung tuyên truyền quảng bá thương hiệu trên báo chí, ấn phẩm điện tử, bản tin xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ DN, hiệp hội, ngành hàng trong việc đào tạo nâng cao nhận thức về thương hiệu cũng như tăng cường năng lực kinh doanh, cạnh tranh xuất khẩu, qua đó thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 8/4, Cục XTTM tổ chức Lễ giới thiệu Chương trình “Truyền hình Thương hiệu quốc gia”. Chương trình tập trung vào các vấn đề xây dựng thương hiệu DN, phát triển ngành hàng xuất khẩu, các giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của DN gắn với 3 giá trị của Chương trình Thương hiệu quốc gia: “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo”. Chương trình được phát sóng trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần. |