Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng:

Đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước, tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- UBND TP Đà Nẵng đã có những nhìn nhận khách quan về những tồn tại, hạn chế trong một số lĩnh vực. Để phát triển trong những năm tiếp theo, Đà Nẵng sẽ có những giải pháp để bứt phá...

Thị trường trầm lắng, nhu cầu đầu tư chững lại ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế địa phương

Theo UBND TP Đà Nẵng, năm 2023, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh năm 2010) ước tăng 2,58% so với năm 2022. Trong đó, giá trị tăng khu vực dịch vụ ước tăng 4,1%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp – xây dựng ước giảm 2,05%; giá trị gia tăng khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản ước tăng 1,19%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 12,3%.

GRDP bình quân đầu người đạt 4.435 USD (nghị quyết là 4.500 USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước giảm 12,3%. Tổng thu ngân sách nhà trên địa bàn ước đạt 20.598 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán HĐND TP giao và bằng 85,6% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) ước giảm 14,6%...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của địa phương trong năm 2023 tại kỳ họp. (Ảnh: Quang Hải)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của địa phương trong năm 2023 tại kỳ họp. (Ảnh: Quang Hải)

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thì năm 2023, tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng lớn của tình hình kinh tế thế giới; nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm dẫn tới tình trạng thu hẹp quy mô trong hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo.

Hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn, trong khi nhiều nước gia tăng tiêu chuẩn đối với xuất, nhập khẩu, một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn, áp lực cạnh tranh từ các nước khu vực, châu Á tăng. Thu nhập, tiêu dùng trong dân cư giảm ảnh hưởng đến sức mua, giá trị tăng thêm ngành bán buôn hàng hóa (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) giảm 10,3% so với cùng kỳ 2022.

Nguyên nhân dẫn đến tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) ước giảm 14,6%, ông Hồ Kỳ Minh cho rằng do tình hình thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu mua, thuê bất động sản giảm mạnh, nhu cầu đầu tư chững lại.

Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn bị thu hẹp, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng bị hạn chế do các ngân hàng kiểm soát thủ tục ngày càng chặt chẽ hơn, không có nhiều sản phẩm bất động sản mới. Một số dự án nhà ở xã hội thiếu vốn đầu tư tuy nhiên công tác tiếp cận chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, sự sụt giảm vốn đầu tư xây dựng còn do: một số dự án chưa phù hợp quy hoạch phải chờ quy hoạch phân khu phê duyệt mới thực hiện được phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt thiết kế cơ sở; một số dự án vướng mắc đất đai theo các kết luận thanh tra, bản án chờ được tháo gỡ; công tác lập hồ sơ lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội còn chậm.

Phấn đấu hết tháng 1/2024 giải ngân đạt 95% kế hoạch được giao

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Đà Nẵng được giao là 7.947,132 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương là 7.384,132 tỷ đồng, ngân sách trung ương là 563,000 tỷ đồng). Đà Nẵng phấn đấu đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân đạt 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và HĐND TP. 

Theo ông Hồ Kỳ Minh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm do: công tác chuẩn bị đầu tư (chủ trương, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở…), lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình các cơ quan chuyên môn xây dựng thẩm định, phê duyệt dự án còn chậm. Do vậy, dự án chưa đủ điều kiện ghi vốn, dẫn đến không phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao ngay từ đầu năm (đến tháng 7/2023 mới phân bổ 1.400 tỷ đồng còn lại).

Nền kinh tế TP Đà Nẵng phải đối mặt với những thách thức lớn, tình hình sản xuất gặp khó khăn. (Ảnh: Quang Hải)
Nền kinh tế TP Đà Nẵng phải đối mặt với những thách thức lớn, tình hình sản xuất gặp khó khăn. (Ảnh: Quang Hải)

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm, tiến độ giải ngân vốn đền bù thấp, kéo theo chậm giải ngân vốn xây lắp đối với các công trình chờ giải phóng mặt bằng. Năng lực quản lý điều hành dự án của các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án có nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế. Công tác phối kết hợp giữa chủ đầu tư và các sở, ngành có tốt hơn nhưng có lúc có nơi vẫn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Năng lực, kinh nghiệm một số nhà thầu, đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Một số dự án do chưa phù hợp với quy hoạch chung/quy hoạch phân khu hiện có, phải chờ điều chỉnh quy hoạch cục bộ/chờ lập xong quy hoạch phân khu. Đặc biệt theo ông Minh, các cơ quan, đơn vị còn lúng túng bước đầu trong việc thay đổi đơn vị trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, các chủ đầu tư, quản lý dự án tập trung thi công để hoàn ứng số vốn đã tạm ứng của các năm trước.

“Nền kinh tế TP phải đối mặt với những thách thức lớn, tình hình sản xuất gặp khó khăn do chuỗi giá trị tiếp tục bị đứt gãy, số lượng đơn hàng mới giảm, thu nhập người dân giảm tác động nhiều đến các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng, thị trường bất động sản trầm lắng, sản xuất công nghiệp, suy giảm do mặt bằng lãi suất cao và tổng cầu sụt giảm. Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí của Trung ương để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh đã tác động làm giảm thu nội địa cả năm 2023, ước giảm thu khoảng 2.025 tỷ đồng” – ông Minh thông tin.