Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đẩy mạnh tín dụng cho khoa học công nghệ, hạ tầng chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng

Kinhtedothi- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số và các lĩnh vực trọng điểm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Đòn bẩy lớn cho nền kinh tế

Thời gian qua, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng và cũng là trọng tâm rót vốn của ngân hàng. Khi nền kinh tế đứng trước biến động thương mại toàn cầu, việc tập trung giảm thiểu các rủi ro bên ngoài từ tăng cường nội lực bên trong, bao gồm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng được các nhà kinh tế khuyến nghị; đang được Chính phủ định hướng ưu tiên cao.

Hàng chục ngân hàng hưởng ứng tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế Ngân hàng ADB Việt Nam nhận định: “thúc đẩy tín dụng cho các dự án hạ tầng chiến lược sẽ có ý nghĩa lớn hỗ trợ nền kinh tế, DN giảm chi phí vận hành, chi phí logistics”. Đối với đầu tư tín dụng thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, ông Hùng nói thêm: “Sự dịch chuyển địa kinh tế yêu cầu đầu tư liên tục và cải cách kinh doanh. Các xu hướng phát triển bền vững đòi hỏi sự hợp tác công - tư. Chuyển đổi số yêu cầu kỹ năng số mạnh mẽ và áp dụng công nghệ, bao gồm thương mại điện tử, AI và sản xuất thông minh. Việc thích ứng với các xu hướng này sẽ củng cố vị thế quốc gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu”.

Thực tế, việc giải ngân tín dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm và dự án lớn đã được các ngân hàng, dẫn đầu với Vietcombank, BIDV, Viettinbank... tập trung cho mở rộng dư nợ. Cùng với đó là sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại, cho vay theo chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, xây dựng thi công... các dự án hạ tầng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để triển khai hiệu quả gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các NHTM chủ động tính toán, cân đối dành nguồn lực, khẩn trương có văn bản đăng ký tham gia Chương trình tín dụng theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 2627/VPCP-KTTH. Các ngân hàng căn cứ danh mục dự án trọng điểm ngành giao thông, điện và công nghệ số do Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ KH&CN chủ trì ban hành để xác định đúng đối tượng cho vay, xem xét, thẩm định các dự án theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, gói tín dụng còn nhằm hỗ trợ các DN đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Về mức lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo Chương trình trong từng thời kỳ trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy DN đầu tư hạ tầng, công nghệ số... Đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường ít nhất 1%, thời hạn vay tối thiểu 2 năm. Vì thế, về mặt định hướng, đây là chính sách vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa tạo động lực cho các lĩnh vực then chốt.

Để gói tín dụng phát huy hiệu quả

Dù vậy, nhiều DN vẫn lo ngại, cũng như nhiều gói tín dụng ưu đãi khác, sẽ khó tiếp cận bởi lâu nay, vấn đề tài sản thế chấp là “hòn đá tảng” cản trở việc tiếp cận vốn tín dụng. Đặc biệt là đối với nhóm DN nhỏ và vừa, tiếp cận tài chính vẫn còn thách thức.

Trong khi đó, phía chuyên gia ADB lưu ý, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng vẫn mang tính ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay cho các dự án hạ tầng thường kéo dài. Do đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt, bài toán "huy động ngắn-cho vay dài" sẽ tiếp tục là rào cản.

Đối với lĩnh vực công nghệ số, một trong hai trụ cột chính của gói tín dụng, thì tình hình còn phức tạp hơn. Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin (NHNN): Khó khăn không chỉ đến từ đặc thù tài sản đảm bảo (phần mềm, mã nguồn, bằng sáng chế…), mà còn nằm ở việc thẩm định hiệu quả đầu tư.

Nhiều sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn, mới ra đời thì hiện đại nhưng nhanh lạc hậu và khó định giá. Thêm vào đó, hành lang pháp lý về công nghệ mới, như blockchain, AI, tài sản số… vẫn còn mờ nhạt. Vì vậy, nếu không có cơ chế riêng cho các dự án công nghệ cao, thì ngân hàng khó có thể "mạnh tay" giải ngân, dù nhu cầu là rất lớn.

Đại diện một ngân hàng cho biết, sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000-10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước. Nhưng cần thiết kế cơ chế tín dụng trung dài hạn phù hợp hơn. Ví dụ, có thể cho phép ngân hàng được trích lập rủi ro linh hoạt hơn đối với các khoản vay hạ tầng, hoặc chấp nhận tỷ lệ an toàn vốn tạm thời thấp hơn.

Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình khẳng định ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các DN, đặc biệt là về lãi suất, nhưng cần rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm mạnh dạn triển khai.

Ông Lê Quang Vinh - Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh ngành ngân hàng xác định tín dụng là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể tham gia hỗ trợ các DN lĩnh vực trên nhất là DN công nghệ đổi mới sáng tạo xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.

Các chuyên gia cho rằng, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng nói riêng và các gói tín dụng ưu đãi nói chung, đều cần tiêu chí hàng đầu là xây dựng các điều kiện để được vay tín dụng phù hợp với thực tế của DN. Khung tiếp cận năng lực tài chính phải đảm bảo yếu tố hỗ trợ hiện tại và đi cùng DN để đạt kỳ vọng thúc đẩy DN phát triển, đảm bảo khả năng trả nợ vay trong tương lai.

Dù khẳng định ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng, tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã thẳng thắn nhìn nhận rằng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành về việc này còn chưa đạt yêu cầu. Bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên.

Ví dụ, NHNN rất cần xác định rõ trong ít nhất 5 năm tới, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, tỷ lệ vốn nhà nước và xã hội hóa, cung cấp các đối tượng chính xác, kế hoạch đầu tư rõ ràng, ít nhất là cần có dữ liệu ước tính gần với thực tế, từ đó NHNN cũng như các NHTM mới có thể tính toán cân đối nguồn vốn, bảo đảm gói tín dụng đi đúng hướng.

Do đó, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng đi vào thực chất. “Thời gian tới, các bộ ngành liên quan tâm hơn tới các nội dung cần phối hợp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội"- Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị.

Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương trình Quốc hội các cơ chế đặc thù thống nhất cho tất cả dự án đường sắt

Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương trình Quốc hội các cơ chế đặc thù thống nhất cho tất cả dự án đường sắt

Hà Nội dẫn đầu xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử 2025

Hà Nội dẫn đầu xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử 2025

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thêm giải pháp hỗ trợ tiểu thương quản lý thanh toán không tiền mặt

Thêm giải pháp hỗ trợ tiểu thương quản lý thanh toán không tiền mặt

25 Apr, 05:16 PM

Kinhtedothi- Sau gần một năm có mặt trên thị trường, thiết bị thông báo chuyển khoản và quản lý giao dịch Loa Ting Ting do Công ty CP 9Pay- đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước- đã phát triển đã nhanh chóng trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ trên toàn quốc.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ