Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh triển khai công nghệ số: Lời giải cho bảo vệ bản quyền báo chí

Hà Thanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng nhức nhối về vi phạm bản quyền nội dung số ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đối với báo chí, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) Hoàng Đình Chung.

Ông Hoàn Đình Chung khẳng định, công nghệ có vai trò như một "cánh cửa có khóa" để bảo vệ nội dung số nói chung và bản quyền báo chí nói riêng.
Giải pháp công nghệ có thể giải quyết được tận gốc nạn vi phạm bản quyền đang tràn lan đối với báo chí không, thưa ông?

- Để vi phạm bản quyền báo chí diễn ra dễ dàng và nhanh chóng, tràn lan như hiện nay có nguyên nhân không nhỏ từ công nghệ. Đa phần các website, trang tin sử dụng chính công nghệ để lấy cắp tin, bài báo chí một cách tự động. Tuy nhiên, công nghệ cũng có thể được sử dụng để ngăn chặn hành vi vi phạm quyền và bảo vệ bản quyền. Để giải quyết vấn đề này trước tiên cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của đơn vị khai thác bản quyền trên môi trường số, phải ý thức được rằng việc khai thác nội dung của các cơ quan báo chí để phục vụ mục đích kinh doanh khi chưa có được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền đó là vi phạm pháp luật. Tiếp đó các cơ quan báo chí cần ý thức tự bảo vệ bản quyền, bằng các công nghệ như mã hóa và xác thực các dữ liệu để khiến việc sao chép không thể thực hiện được. Giải pháp này giống như là sử dụng công nghệ để tạo ra một "cánh cửa có khóa", giúp dữ liệu được bảo vệ an toàn.
 Trung tâm Bản quyền số đã ký kết hợp đồng bảo vệ và khai thác bản quyền với một số cơ quan báo chí. Ảnh: Hà Than
Giải pháp tiếp theo báo chí cần làm là sử dụng công nghệ để truy quét nội dung trên môi trường số như nền tảng viễn thông, mạng xã hội, nền tảng báo chí… Khi quét phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ có báo cáo về chủ thể cũng như mức độ vi phạm. Quy trình này có 5 bước gồm thu thập; phân tích; khai phá dữ liệu; lưu trữ và truy vấn; ứng dụng và cảnh báo. Dựa vào đó các cơ quan báo chí bị vi phạm bản quyền có thể chuyển cho đơn vị chức năng để xử lý theo quy định, thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sở hữu nền tảng công nghệ.

Được biết, Trung tâm đã ký kết bảo vệ bản quyền cho nhiều cơ quan báo chí. Vậy quá trình bảo vệ tác quyền được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản, Trung tâm đã đưa ra được các giải pháp để ứng dụng trong việc bảo vệ bản quyền và đã bước đầu thử nghiệm áp dụng cho một số đơn vị báo chí bằng 2 giải pháp. Đầu tiên là Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung video cho báo chí (Video Digital Right Management - DCC VDRM) giúp ngăn chặn tình trạng tải hoặc truy xuất tự do các nội dung video và livestream thông qua việc mã hóa luồng dữ liệu video và truyền hình. Phương pháp trên giúp bảo vệ nội dung khỏi việc sử dụng trái phép, kiểm soát băng thông, kiểm soát chi phí truyền dẫn trên internet.
Bên cạnh đó là giải pháp hệ thống lắng nghe, dò quét, phát hiện, cảnh báo vi phạm bản quyền báo chí, âm nhạc, ấn bản điện tử (DCC Watcher) sử dụng công nghệ lõi gồm Kỹ thuật thu thập lắng nghe dò quét thông tin trên báo điện tử, trang tin và mạng xã hội. Kỹ thuật xử lý lưu trữ, phân tích mô hình hóa và đối chiếu dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sẵn sàng tích hợp đấu nối với các cơ sở dữ liệu tác quyền của tất cả các đơn vị hợp tác.

Ông có thể chia sẻ về những thành quả của Trung tâm đã đạt được sau gần một năm đi vào hoạt động?

- Trong thời gian qua, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu hoàn thiện giải pháp, đóng gói đồng bộ quy trình xử lý bước đầu áp dụng cho các đơn vị báo chí và sách báo, ấn phẩm. Đối với lĩnh vực báo chí, Trung tâm đã bước đầu ký kết thỏa thuận hợp tác về bảo vệ bản quyền số với Hội Nhà văn Việt Nam; Kênh truyền hình VOVTV – Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài PTTH Hà Nội; báo Đại biểu Nhân dân; Thiếu niên Tiền phong; Nhi đồng và một số đơn vị sở hữu bản quyền khác.

Mục tiêu của Trung tâm trong việc chống vi phạm bản quyền môi trường số nói chung và báo chí nói riêng?

- Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp giải pháp công nghệ, giúp tối ưu trong việc thu thập xử lý dữ liệu lớn để có thể ứng dụng rộng rãi cho các đơn vị nội dung số, đặc biệt là với báo chí, tiến tới xây dựng được hệ thống báo cáo xếp hạng các đơn vị thường xuyên vi phạm cũng như đơn vị tuân thủ tốt bản quyền. Qua đó tạo căn cứ để đánh giá uy tín của từng đơn vị. Điều này sẽ giúp bạn đọc, khách hàng, DN, những đối tượng có khả năng trả tiền để thanh toán nội dung số có thể tiếp cận đúng với những đơn vị sở hữu bản quyền.

Xin cảm ơn ông!