Theo báo cáo của BCĐ 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng trên toàn quốc phát hiện, xử lý hơn 64.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng đã khởi tố hình sự 650 vụ với 1.912 đối tượng (giảm 44,25% về số vụ và giảm 18,82% về số đối tượng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của BCĐ 389 Quốc gia, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong cả nước cũng còn những hạn chế như việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đôi lúc chưa được thống nhất, tạo nhiều kẽ hở cho các đối tượng hoạt động. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ một số cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ ở một số lĩnh vực mới còn hạn chế.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền Thông tin về những khó khăn mà lực lượng chức năng gặp phải trong quá trình đầu tranh chống hàng lậu, hàng giả. Cụ thể, lực lượng chức năng TP Hà Nội gặp một số khó khăn trong phát hiện điểm tập kết nguyên liệu, tổ chức đóng gói và sản xuất hàng giả.
Bên cạnh đó việc xử lý vi phạm trong vận chuyển hàng trái phép, rửa tiền qua đường hàng không phải qua nhiều thủ tục thuộc các cơ quan có thẩm quyền khác nhau khiến việc bắt giữ, điều tra, khởi tố vi phạm kéo dài. Ngoài ra việc quản lý, giám sát và kiểm tra đối với kinh doanh qua sàn thương mại điện tử nền tảng số không hề dễ dàng.
“Để khắc phục khó khăn này thời gian tới các bộ ngành rút ngắn quy trình, thủ tục và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý hàng trái phép, trốn thuế, rửa tiền qua đường hàng không. Đồng thời các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, cụ thể cần quy định chế tài đối với việc thương nhân, các sàn thương mại điện tử cố tình không cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn, phối hợp tốt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó phải nêu cao vai trò của người đứng đầu.
Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những lổ hổng về pháp lý, sai sót để nhắc nhở các lực lực lượng chức năng trong việc thực thi đạo đức công vụ. Thường xuyên quan tâm, nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, nhất là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối với việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các quy định còn bất cập và gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền, nội dung nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.