Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng khung: Tiền đề để huyện Gia Lâm chuyển thành quận

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quyết tâm hoàn thành các tiêu chí lên quận vào năm 2022, huyện Gia Lâm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng khung. Nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, ngoài việc hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Gia Lâm còn hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều dự án hạ tầng quan trọng.

Đường Đông Dư - Dương Xá.
Khớp nối các tuyến đường huyết mạch
Có mặt tại tuyến đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng mới thấy sự thay đổi rõ rệt của một vùng quê. Trước đây, để đi đến các xã nói trên, người dân phải đi qua những con đường chật hẹp, gồ ghề, không đảm bảo an toàn giao thông. Tuyến đường mới được hoàn thành là một tuyến đường hiện đại trên địa bàn huyện Gia Lâm với chiều dài 1.950m, rộng 40m, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 360 tỷ đồng. Được khởi công xây dựng từ tháng 6/2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành, được đầu tư đồng bộ từ hệ thống chiếu sáng đến cây xanh, hệ thống thoát nước. Việc hoàn thành tuyến đường đã giúp người dân giữa các xã đi lại thuận lợi, dễ dàng hơn. Đây cũng là 1 trong 16 tuyến đường được xây dựng trong giai đoạn 2016 – 2020, nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung trên địa bàn huyện.
Ngày 7/10, UBND huyện Gia Lâm tổ chức lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 179 đoạn từ Dốc Lời đến ngã tư đường 181. Tổng mức đầu tư của dự án trên 132 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, để hoàn thiện các tiêu chí lên quận, huyện Gia Lâm thường xuyên quan tâm đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), đặc biệt là các dự án hạ tầng khung, dự án trường học. Trong giai đoạn 2010 – 2015, huyện Gia Lâm đã triển khai 415 dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với tổng mức đầu tư 5.331 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020 thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, tổng mức vốn đầu tư của huyện là hơn 5.152 tỷ đồng, bố trí cho 424 dự án. Đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 347/424 dự án, đạt 81,8%. Trong đó: Hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng 231 dự án; đang tổ chức thi công 116 dự án và 77 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tổng kinh phí đã thực hiện 3.050 tỷ đồng, đạt 59,2% kế hoạch.
Nhờ sự đầu tư bài bản và đồng bộ, đến nay huyện đã hoàn thành 3 dự án đường giao thông với chiều dài 25,1km, kinh phí 1.994 tỷ đồng, bao gồm: Đường Dốc Hội – Học viện Nông nghiệp Hà Nội; đường 181 đi thôn Chi Đông và Cống Doanh (xã Lệ Chi)... Huyện cũng đã chủ động đề xuất với TP có cơ chế, chính sách nhằm hoàn thành khớp nối các tuyến đường giao thông trục chính với các tuyến đường huyết mạch, bao gồm 16 tuyến đường hạ tầng khung với tổng chiều dài 59,2km, kinh phí hơn 4.900 tỷ đồng. Huyện cũng đã thực hiện công tác chuẩn bị dự án với 42 tuyến đường trục chính khớp nối hệ thống giao thông hạ tầng khung với chiều dài 73,2km, kinh phí 6.200 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng tốc để về đích
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2019, huyện Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Việc tập trung xây dựng các dự án hạ tầng giao thông sẽ góp phần quan trọng giúp Gia Lâm hoàn thành các tiêu chí lên quận.
Năm 2019, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai tổng số 414 dự án trên địa bàn với số vốn hơn 1.690 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án TP với số vốn 241 tỷ đồng, 400 dự án của huyện với hơn 1.449 tỷ đồng. Để hoàn thành khối lượng công việc này, ngay từ đầu năm, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư, thi công và giải ngân vốn đầu tư XDCB.
Trong 9 tháng đầu năm, huyện đã khởi công xây dựng 75 dự án, hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng 27 công trình, triển khai thi công xây dựng 3 dự án đường giao thông hạ tầng khung (bao gồm: Tuyến đường theo quy hoạch từ đường 179 đến đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Đường đê tả sông Hồng từ Đông Dư đi Bát Tràng; Cải tạo nâng cấp tuyến đường 179 đoạn từ Dốc Lời đến ngã tư đường 181). Ước thực hiện giải ngân 9 tháng năm 2019 đạt 966.337/1.897.306 triệu đồng, bằng 50,9% kế hoạch vốn giao. Huyện cũng đã hoàn thiện danh mục dự án xã hội hóa lựa chọn nhà đầu tư và phương án đầu tư 32 tuyến đường khớp nối hệ thống hạ tầng khung huyện Gia Lâm giai đoạn 2020 – 2025, đề xuất cơ chế phân cấp, ủy quyền báo cáo TP chấp thuận để triển khai thực hiện hoàn thiện tiêu chuẩn quận. Đồng thời, ban hành hướng dẫn về thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn huyện; ban hành và triển khai quyết định hỗ trợ đầu tư đường giao thông ngõ xóm; hạ tầng nghĩa trang Nhân dân, vườn hoa, ao hồ, sân chơi và các công trình khác trong khu dân cư trên địa bàn.
Từ nay đến cuối năm, huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án kế hoạch năm 2020. Xây dựng triển khai đường giao thông ngõ xóm các xã, thị trấn. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư XDCB, quyết toán dự án hoàn thành, tất toán tài khoản, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Tập trung triển khai xây dựng 4 dự án đường giao thông hạ tầng khung, bao gồm: Tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá – Đông Dư đến ga Phú Thị; Đường đê tả Đuống đoạn từ cầu Đuống đến cầu Phù Đổng; Tuyến đường quy hoạch 24,5m từ đê sông Đuống đến đường Dốc Lã – Ninh Hiệp; Tuyến đường theo quy hoạch đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng đến hết địa bàn huyện Gia Lâm. Triển khai các dự án xây dựng trung tâm văn hóa và trụ sở xã phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp. Khởi công xây dựng Trụ sở Huyện ủy, HĐND – UBND huyện.
Triển khai xây dựng 13 dự án giao thông khác và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đường Đông Dư – Dương Xá, đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng; đường 30m đấu nối khu vực dự án điểm thông quan nội địa TP tới đường Nguyễn Đức Thuận, 7 dự án đường giao thông trục chính các xã...
Sự tăng tốc hoàn thành các dự án hạ tầng khung, trọng điểm sẽ giúp Gia Lâm hoàn thiện các tiêu chí về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, hoàn thiện các tiêu chí lên quận vào năm 2020, như kế hoạch đề ra.

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020” huyện Gia Lâm phấn đấu mật độ đường giao thông đô thị đạt trên 10km/km2; hệ thống cung cấp nước sạch đến 22 xã, thị trấn đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung đạt trên 87%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên 94%; xây mới 1 trường THPT công lập; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Bảo đảm 100% nước thải của các cụm điểm công nghiệp và nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường chất lượng; phân loại chất thải tại nguồn và 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Phát triển diện tích không gian xanh đô thị, phấn đấu đạt chỉ tiêu 7,5m2/người. Các tiêu chí khác đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về tiêu chí cơ sở hạ tầng của quận.