Đẩy nhanh quy hoạch nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 8/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu, song tiến độ triển khai NTM tại nhiều địa phương vẫn còn chậm, nhất là công tác quy hoạch.

32% số xã chưa hoàn thành quy hoạch
 
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM T.Ư, mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã triển khai được 2 năm, song đến nay, cả nước mới có 68% số xã đã tiến hành xong việc quy hoạch chung và 44% số xã đã phê duyệt xong Đề án xây dựng NTM. Trong đó có 7 địa phương có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch NTM rất thấp, chỉ đạt từ 2 - 5%.
 
Tại các tỉnh phía Bắc, đến nay, vẫn còn 58% số xã chưa được phê duyệt Đề án xây dựng NTM, 36% số xã chưa được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM. Còn tại các tỉnh phía Nam, đến quý III/2012, mới có 1.037 trên tổng số 3.198 xã phê duyệt xong Đồ án quy hoạch NTM, đạt 33%.
 
 
Đẩy nhanh quy hoạch nông thôn mới - Ảnh 1
 
Làm đường xây dựng nông thôn mới ở xã Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Minh Hoàng
 
 
Đông Nam bộ là 38%; Đồng bằng sông Cửu Long 10%... Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, công tác quy hoạch xây dựng NTM của nhiều địa phương không chỉ chậm mà còn thiếu đồng bộ, chưa có tính liên kết và thống nhất.
 
Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai xây dựng NTM của các địa phương. Đáng lo ngại, ở một số địa phương xuất hiện tư tưởng chạy theo thành tích, nảy sinh tình trạng "dự án hóa" chương trình xây dựng NTM. Các đề án vẫn nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng tới sản xuất, môi trường, văn hóa…
 
Đẩy nhanh tiến độ
 
Ngoài việc chậm hoàn thành quy hoạch NTM, các tiêu chí khác về văn hóa, xã hội, môi trường cũng chưa có chuyển biến tích cực và vẫn đang là những vấn đề bức xúc lớn ở nông thôn. Trong khi đó, cơ cấu sản xuất ở nhiều xã còn mang tính tự phát do chưa gắn kết với quy hoạch vùng, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học chậm phát triển, công tác tập huấn, đào tạo nghề nông cho nông dân còn hạn chế...
 
Đặc biệt, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa của các địa phương còn thấp, nguồn lực đầu tư cho xây hạ tầng NTM vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM T.Ư cho rằng, chính quyền các địa phương cần thay đổi nhận thức về xây dựng NTM theo hướng tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân, chứ không chỉ đạt 19 tiêu chí NTM bằng mọi cách. "Mỗi địa phương cần cân nhắc việc gì làm trước, việc gì làm sau.
 
Có những việc không cần nhiều tiền vẫn có thể triển khai được như tiêu chí văn hóa, vệ sinh môi trường" - ông Ngọ chia sẻ.Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương tăng cường sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện chương trình NTM, tập trung hoàn thành công tác quy hoạch và lập Đề án xây dựng NTM cấp xã đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và phù hợp với tình hình thực tiễn, xác định được nhiệm vụ trọng tâm.
 
Cùng với đó, phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, điển hình ở các địa phương về xây dựng NTM như: Hà Nội có chính sách hỗ trợ 20 - 25 triệu đồng/ha để kiến thiết lại đồng ruộng gắn với dồn điền đổi thửa, Tuyên Quang hỗ trợ 200kg xi măng, ống cống và 2 triệu đồng cho mỗi xã xây dựng đường giao thông nông thôn...