Được biết Hà Nội thời gian qua đã đầu tư 102 trạm cấp nước (TCN), đáp ứng khoảng 15% dân cư nông thôn. Ngoài 85 trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn đã đầu tư xây dựng và đang hoạt động hiệu quả, nhưng vẫn còn 16 trạm cấp nước chưa đi vào hoạt động. (như: TCN xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; TCN thị trấn Quốc Oai; TCN xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ; TCN thị trấn Chúc Sơn, huyện Chuơng Mỹ, ngoài ra còn có 8 trạm TCN do UBND cấp xã quản lý như: TCN xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa…).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số TCN đã giao cho doanh nghiệp quản lý song chưa đuợc quyết toán, kiểm kê định giá tài sản. Chưa giao quyền sử dụng đất nên các doanh nghiệp thiếu căn cứ pháp lý để trình thẩm định và phê duỵêt dự án đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng.
Mặt khác, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn”.
Trong thời gian tới, bên cạnh khôi phục hoạt động của 16 TCN này, Thành phố đang lập đề án đầu tư cho 6 công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã khác như: dự án cấp nước sạch liên xã Thụy Phú, Hồng Thái, Nam Phong, Văn Nhân, Nam Triều thuộc huyện Phú Xuyên... Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nêu rõ, việc xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã được đưa vào Chương trình 02 của Thành uỷ và đây được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành, các huyện của Thành phố cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ đúng qui trình, tập trung vốn cho những công trình ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nước. Về lập đề án đầu tư cho 6 công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã, Phó Chủ tịch yêu cầu các đơn vị tư vấn, thiết kế lựa chọn những phương án tối ưu nhất, tận dụng được điều kiện tự nhiên giảm chi phí xây dựng, việc quản lý vận hành phải đảm bảo chất lượng nước cũng như tính lâu dài bền vững của công trình.
Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị đầu tư, thiết kế triển khai khảo sát điều kiện tự nhiên, nhu cầu sử dụng nước của người dân và hỗ trợ kinh phí để sớm đưa các công trình vào sử dụng.