Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công

Sáng ngày 02/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên)
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên)

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đề xuất một số giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2022.

Thứ nhất, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã đạt được, bảo đảm duy trì bền vững nền kinh tế mở trong trạng thái bình thường. Bởi dịch bệnh Covid- 19 tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn tiềm ẩn các nguy cơ có thể phát sinh biến chủng mới và thế giới đến nay vẫn chưa thực sự an toàn. Vì vậy, phải có những giải pháp và kịch bản để ứng phó tình huống khi có biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp, dự báo các mặt hàng, nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp.

Riêng về mặt hàng xăng dầu, cần bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng đổ với mức phù hợp để điều hành giá xăng dầu trong nước linh hoạt, có phần ổn định thị trường, đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.

Thứ ba, đề nghị điều chỉnh linh hoạt kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều hành cung tiền, lãi suất, điều tiết giá cả. Bên cạnh đó cần tập trung triển khai có hiệu quả, kịp thời Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chỉ số lạm phát tăng chịu ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư công trong quá trình kích cầu đúng tư.

“Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia”, đại biểu đề nghị.

Thứ 4, nguyên tắc cơ bản của việc điều tiết giá trong nền kinh tế thị trường là đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, chương trình phục hồi và phát triển xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng cùng các gói hỗ trợ năm 2021 đang thẩm thấu vào từng lĩnh vực của nền kinh tế, làm cho tổng cầu tăng đột biến.

Do vậy, Đại biểu Nguyễn Quyết Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát, điều hành nguồn cung, vật tư đầu vào, kể cả hàng hóa tiêu dùng ở các vùng miền, giữa các địa phương với nhau, không để bị đứt gãy, đặc biệt chỗ cung ứng của thế giới với Việt Nam, tránh trường hợp đầu cơ, găm hàng tích trữ.

Xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ

Phát biểu thaỏ luận, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ như đường sắt Cát Linh- Hà Đông, đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thi công sân bay Long Thành, Điện Biên.

Đại biểu Tô Ái Vang tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ
Đại biểu Tô Ái Vang tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ

Bên cạnh đó. đại biểu cũng đề nghị sớm đưa vào vận hành các cảng biển Cà Ná, Chu Lai, Trần Đề; tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa để đến năm 2030 đạt được 5.000 km đường cao tốc.

Đại biểu Tô Ái Vang bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cần Thơ -  Sóc Trăng giai đoạn 1, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Vì việc đầu tư các dự án trên là hết sức cấp thiết, đáp ứng mong đợi của cử tri ở các địa phương. Trong đó, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 nhằm phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Dự án góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ và phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV cùng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.