Đẩy nhanh tiến độ GPMB để thực hiện đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi- Ngày 25/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã đi khảo sát thực địa và làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về tình hình thực hiện dự án.

Tham gia buổi khảo sát có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Ninh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Ninh.

Phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng vào 6/2023

Tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn 3 huyện Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ và TP Bắc Ninh với tổng chiều dài khoảng 35,3km. Tổng vốn đầu tư đường Vành đai 4 tại tỉnh Bắc Ninh là 5.274 tỷ đồng. Đến nay, 3 huyện và TP Bắc Ninh mà dự án đi qua đã thành lập hội đồng GPMB; hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng đất, đề xuất khu tái định cư.

Trong khi đó, dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3km, đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm. Tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.245 tỷ đồng. Đến nay, 4 huyện đã hoàn thành trích lục bản đồ địa chính và đang triển khai công tác trích đo giải thửa, rà soát, quy chủ đối với đất nông nghiệp và đất ở. Các huyện cũng đã hoàn thành đề xuất nhu cầu bố trí tái định cư, lập điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất để làm căn cứ thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất theo quy định pháp luật.

Để bảo đảm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giúp quá trình tổ chức, triển khai dự án  đường Vành đai 4 trên địa bàn thuận lợi, tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đã nêu một số kiến nghị đối với các bộ, ngành T.Ư và Hà Nội. Đáng chú ý, hai tỉnh kiến nghị các bộ ngành Trung ương, Chính phủ hướng dẫn rút ngắn các thủ tục, thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần; hướng dẫn phân bổ, ứng vốn cho dự án...

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc.

Lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đều khẳng định, đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm, quan trọng, là động lực phát triển to lớn đối với tỉnh nhà. Thời gian qua, người dân trên địa bàn đều hồ hởi, phấn khởi, chờ mong; lãnh đạo các cấp đều ý thức rõ về trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị sớm tổ chức họp Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tổng hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời có chỉ đạo thống nhất để các tỉnh làm căn cứ phê duyệt các dự án thành phần; làm việc với các tỉnh trong vùng để cấp phép ngay việc khai thác mỏ phục vụ dự án... Quan điểm chung của tỉnh là sẽ nỗ lực tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án đạt kết quả cao nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, mặc dù đang vướng mắc về việc ứng vốn GPMB, nhưng qua làm việc với đoàn công tác hôm nay tỉnh đã rõ hướng giải quyết và tới đây sẽ triển khai theo thẩm quyền. Trước mắt tỉnh sẽ ứng tiền ngay để phục vụ di dời mồ mả trước dịp 23 tháng Chạp (Âm lịch). Tới đây, tỉnh sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang, xây dựng khu tái định cư để phục vụ công tác GPMB. Đồng thời thống nhất các nội dung với thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai dự án. Dù biết rất khó khăn, nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6/2023 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại tỉnh Bắc Ninh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại tỉnh Bắc Ninh.

Thúc đẩy tiến độ các dự án thành phần

Phát biểu tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần quyết tâm cao của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Đặc biệt nhờ sự ủng hộ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương, kết quả công việc đạt được tương đối toàn diện. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB được triển khai tích cực, nhanh chóng và đến nay, cơ bản đã thống kê đầy đủ, xác định địa điểm nhà tái định cư, địa điểm di chuyển mồ mả...

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ đặt ra phía trước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác GPMB, tái định cư; tiến độ đòi hỏi cũng rất cao, trước hết là việc di dời mồ mả theo phong tục văn hóa cổ truyền thường phải trước ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) trong khi nguồn vốn Trung ương dành cho GPMB chưa được cấp, cần thiết phải thực hiện cơ chế tạm ứng.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí với ý kiến của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên giao cho các cơ quan chuyên môn 3 địa phương tổng hợp báo cáo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Trong quá trình đó, 3 tỉnh thành tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cách làm của nhau để tháo gỡ; vận dụng giải pháp tạm ứng ngân sách bảo đảm đúng quy định pháp luật, giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại tỉnh Hưng Yên.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại tỉnh Hưng Yên.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, 3 địa phương tăng cường phối hợp thường xuyên, cộng đồng trách nhiệm, bám sát chặt chẽ hơn nữa từng phần việc, thúc đẩy tiến độ các dự án thành phần. Lường trước những vấn đề khó, nhạy cảm, còn vướng mắc để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa. Kịp thời kiến nghị với Trung ương tháo gỡ và vận động, tuyên truyền, tạo niềm tin để Nhân dân đồng hành, ủng hộ.