Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐB HĐNDTP thảo luận về định hướng phát triển đô thị trong Quy hoạch Thủ đô

Thịnh An - Hồng Thái - Trần Long - Thủy Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Góp ý về “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”, các đại biểu HĐND cho rằng cần quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật đô thị; biện pháp quản lý rác thải, chất thải...

Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tham dự buổi thảo luận tổ 1 chiều 3/7.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tham dự buổi thảo luận tổ 1 chiều 3/7.

Quy hoạch đô thị phải tính đến quy hoạch nghĩa trang

Đại biểu HĐND TP Lê Vĩnh Sơn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà) bày tỏ, Đồ án điều chỉnh quy hoạch đưa sông Hồng vào trung tâm và bổ sung sân bay là hết sức chi tiết, đầy đủ thể hiện tầm nhìn trăm năm. Đại biểu đề xuất cần quy định kỹ hơn trong vấn đề phân loại rác từ đầu nguồn. Cần quy định thiết chế chặt chẽ để mỗi hộ dân tuân thủ, khi rác đưa ra phải được phân loại để tận thu rác có ích.

Cùng đó, thay vì xe lớn xe bé đến đầu ngõ chở rác, đại biểu đề nghị nên có các trung tâm trung chuyển rác ở các quận, huyện để giảm ùn tắc giao thông, giảm tình trạng nước rác bị chảy nước ra mặt đường gây mất vệ sinh môi trường. Đối với việc xử lý nước thải, đề nghị cần áp dụng công nghệ xử lý ngay từ đầu nguồn.

Còn đại biểu HĐND TP Lê Ngọc Anh (Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế-Xã hội TP) đề nghị, trong quy hoạch chung Thủ đô cần nhận diện và đặt ra nhiệm vụ để đô thị thông minh phát triển được 2 bên tuyến Nhật Tân-Nội Bài và phát triển không gian công cộng, không gian xanh. Cần quy hoạch nông thôn để gắn kết hài hoà giữa nông thôn với phát triển đô thị.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu HĐND TP Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ (Tổ huyện Sóc Sơn) cho rằng, đây là việc rất cần thiết. Cần quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật đô thị và tính toán quản lý chất thải rắn ở đâu cho “phù hợp với quy hoạch và cả lòng dân” nếu không sẽ không thành công. Tương tự, để xử lý nước thải, làng nghề, khu công nghiệp cũng phải tính đến đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, không để thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đời sống người dân. 

Đề cập đến sắp tới, một số huyện sẽ phát triển thành quận, đại biểu Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ cho biết, nếu phát triển thành đô thị thì cũng phải tính đến quy hoạch nghĩa trang và phát triển mô hình mới như đưa vào các cơ sở tôn giáo hay nghĩa trang chung phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng của người dân.

Đại biểu HĐND TP góp ý kiến thảo luận tại tổ 1
Đại biểu HĐND TP góp ý kiến thảo luận tại tổ 1

Đại biểu HĐND TP Phạm Đình Đoàn (Tổ huyện Mê Linh) cho biết, về hạ tầng kỹ thuật đô thị, Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, vì vậy, nên sử dụng tư vấn nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm của những đô thị đi trước, tránh tình trạng manh mún trong quy hoạch.

Về định hướng quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng, đại biểu HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân (Trưởng Ban Dân tộc TP) đánh giá, thành phố đã làm bài bản và tổ chức nhiều cuộc hội thảo để có định hướng quy hoạch này. Đại biểu đề nghị việc quy hoạch nghĩa trang cần phải có các nhà hỏa táng, đây là nội dung được quan tâm để có định hướng tầm nhìn quy hoạch đến năm 2060, đáp ứng nhu cầu nhà tang lễ cho địa bàn toàn thành phố. Cùng với đó, cần khắc phục bất cập của việc quy hoạch các trạm chung chuyển rác thải rắn vì đến nay các quy hoạch đã lạc hậu.

Đại biểu Trần Hợp Dũng - Phó Ban Đô thị HĐND TP (Tổ Thanh Trì) cho hay, việc kết nối các tuyến đường sắt rất quan trọng, do đó cần phải quy hoạch đúng hướng, có tầm nhìn xa. Khi chúng ta muốn kéo giãn dân cư ở trong nội đô ra, phải tạo lập cho người dân những khu đô thị hoàn chỉnh.

Đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 3
Đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 3

“Sau đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rằng trên thế giới có sự dịch chuyển rất lớn, cán bộ không nhất thiết phải đến trụ sở, có thể làm việc tại nhà và tại những khu vực có liên quan. Trong đề án chúng ta đã nói sẽ bám sông Hồng để làm các khu đô thị. Như vậy, chúng ta cũng phải gắn kết với cả công việc phát triển kinh tế - xã hội để có động lực” - đại biểu Trần Hợp Dũng chia sẻ.

Đề xuất quy hoạch thành phố phía Tây có quy mô dân số 1,2 triệu người

Theo tờ trình của UBND TP gửi HĐND TP về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn 2065, thành phố sẽ có nhiều nội dung trong định hướng phát triển không gian toàn đô thị với đô thị trung tâm; thành phố phía Tây và các đô thị vệ tinh; các thị trấn sinh thái…

 

Hà Nội quy hoạch 5 trục không gian đến năm 2045

Thảo luận tại tổ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, Tờ trình định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn 2065 trình HĐND TP xem xét thông qua lần này có một số điểm mới so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 (quy hoạch 1259).
Cụ thể, quy hoạch cũ có ba trục không gian gồm sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Hồ Tây - Cổ Loa. Tờ trình lần này bổ sung thêm hai trục Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp lên Sân bay Nội Bài) và phía Nam nối trung tâm Hà Nội.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trục Nhật Tân – Nội Bài đã hình thành nhưng không gian hai bên đường chưa phát triển nhiều. Thời gian tới sẽ có các đô thị thông minh, công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, không gian xanh.
Trục không gian phía Nam thành phố hình thành trong tương lai gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn - Tam Chúc.
Quy hoạch 1259 xác định Hà Nội được hình thành bởi chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, ba thị trấn sinh thái và các thị trấn. Quy hoạch lần này cơ bản giữ nguyên mô hình nhưng điều chỉnh để hình thành hai thành phố trực thuộc Thủ đô ở phía Bắc và phía Tây.
Thành phố phía Bắc sông Hồng rộng 633 km2, gồm ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu. Trong quy hoạch 1259, Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh nhưng nay thành phố phía Bắc bao trùm đô thị vệ tinh này. Thành phố khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, các khu công nghiệp tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại gắn với dịch vụ cấp vùng.
Thành phố phía Tây rộng 251 km2, bao trùm hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi, dự kiến dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu. Thành phố phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, sinh thái.
Hai đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn vẫn thực hiện theo cấu trúc trước đây.

Riêng về thành phố phía Tây, tờ trình nêu rõ, phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với hướng hiện đại, sinh thái, cao - thấp tầng.

Cụ thể, thành phố có quy mô khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số khoảng 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116km2, dân số 0,12 triệu người.


Hà Nội định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao; là TP của những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, nhấn mạnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đi cùng các chính sách hỗ trợ ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao và doanh nghiệp đến làm việc, sinh sống.


Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, lab cộng đồng, trung tâm dịch vụ… Cùng với đó, sẽ hình thành đô thị thông minh, là thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, tiếp thu trình độ KH&CN quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các đô thị vệ tinh trong khu vực gồm Sơn Tây (đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng) và Phú Xuyên (đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa).

Thành phố phía Bắc lấy sân bay quốc tế Nội bài làm trung tâm

Thành phố phía Bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) nghiên cứu định hướng với chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.

Vị trí đề xuất trung tâm thành phố dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vị trí thuận lợi gần các trung tâm lớn như Smart City, Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa… Thành phố dự kiến khai thác lợi thế Sân bay quốc tế Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế…

UBND TP Hà Nội xác định Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được là cửa ngõ quan trọng nhất trong giao lưu quốc tế của miền Bắc và Hà Nội. Cảng hàng không có lưu lượng hành khách thông qua đến 2030 là 60 triệu khách/năm (diện tích khoảng 1.500ha), sau năm 2030 lên đến 100 triệu khách/năm (diện tích 2.200ha, mở rộng về phía Nam).

Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội nằm ở phía Nam, Đông Nam là cảng nội địa công suất 30 - 50 triệu khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500ha. Triển khai sau năm 2030, sân bay này bảo đảm đủ điều kiện chuyển sang cảng hàng không quốc tế khi cần thiết.

Quang cảnh thảo luận tại tổ 3
Quang cảnh thảo luận tại tổ 3

Có hai phương án địa điểm xây dựng sân bay thứ hai. Phương án 1, sân bay có diện tích 1.300ha thuộc địa bàn 4 xã (Tân Ước, Thanh Vân của huyện Thanh Oai; Tiền Phong, Tân Minh của huyện Thường Tín). Phương án 2, khu vực xây dựng sân bay thuộc địa bàn xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường và Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa).