ĐB Hoàng Văn Cường: Đất bỏ hoang do nhà đầu tư không đủ năng lực, quá 12 tháng phải thu hồi

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, trao đổi với báo chí, ĐB Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, các dự án đất đô thị bỏ hoang do nhà đầu tư không đủ năng lực, thì quá 12 tháng phải thu hồi, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực và bức xúc trong nhân dân.

Thưa ông, hiện nay nhiều diện tích “đất vàng” công sở được chuyển đổi mục đích cho tư nhân sử dụng, gây bức xúc trong dư luận. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, việc đầu tư, khai thác đất ở vị trí đắc địa hay còn gọi là “đất vàng” cần tuân thủ những quy định chặt chẽ của pháp luật. Nếu không sẽ xảy ra các tiêu cực như ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua như: Chuyển “đất vàng” từ đất công thành đất tư nhân không thông qua đấu giá, không xác định đúng giá trị, thậm chí không đúng quy hoạch làm thất thoát, lãng phí. Rất nhiều người đã phải rơi vào vòng lao lý của pháp luật.
 ĐB Quốc hội Hoàng Văn Cường.
Vậy còn đối với việc quản lý các diện tích đất đô thị bỏ hoang lâu năm hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, có những dự án đã cấp phép rồi nhưng lại không triển khai, đã gây lãng phí về đất đai, nguồn lực, tạo bức xúc cho người dân. Chúng ta cần đánh giá lại xem nguyên nhân vì sao những sự án này không triển khai được.
Nếu là do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất đai chậm, hoặc không được phê duyệt quy hoạch thì về mặt chính quyền cần xử lý, không thể kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Còn nếu những dự án này do chủ quan nhà đầu tư như không đủ tiền, không có phương án kinh doanh cụ thể thì Luật đã quy định rằng, quá 12 tháng không triển khai thì phải thu hồi.
Có ý kiến cho rằng, cần siết lại việc cho thuê đất của các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước để tránh lãng phí. Quan điểm của ông như thế nào?
- Chúng ta thấy rằng có hiện tượng các cơ quan, bộ, ngành, đang sử dụng quỹ đất không được phép kinh doanh nhưng ở những vị trí, vị thế có khả năng sinh lợi cao. Người ta có xu hướng cho một nhà kinh doanh nào đó thuê để có thể kinh doanh, khai thác, có nguồn thu.
Tuy nhiên, việc đó không đúng với quy định của pháp luật. Nếu như đất đai của các cơ quan, bộ ,ngành được giao không vì mục đích kinh doanh và nếu không có nhu cầu sử dụng và đất đai đó có thể khai thác kinh doanh được thì phải thực hiện quy hoạch lại và phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phải đưa ra đấu giá, thuê kinh doanh công khai hoặc đấu giá để chuyển quyền sử dụng đất.
Nếu cơ quan bộ, ngành tự dành đất đó để cho thuê không thông qua quy định của pháp luật thì đó là vi phạm.
Ông có thể đưa ra một số giải pháp để hạn chế “đất vàng” bỏ hoang?
- Chúng ta thấy rằng, có thể có những diện tích đất đai ở một số công trình văn hóa như bảo tàng có phần diện tích cho tư nhân vào thuê bán hàng ăn, quán bia. Việc cho thuê kinh doanh như vậy thì không đúng với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này chúng ta phải xem xét diện tích đó cần thiết phải sử dụng hay không. Nếu không cần thiết cho bảo tàng, thì cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phải đấu giá để tránh gây tình trạng thất thoát. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần