ĐB Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù với quỹ đất hai bên đường Vành đai

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 10/6, thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội đồng tình, các tuyến đường tạo liên kết không gian đô thị, tuy nhiên, có một vấn đề cần chú ý trong quá trình triển khai.

Không có lý do gì trì hoãn thêm nữa

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh,  việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước, những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020, nhưng do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét. Chính vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Cho nên là khi tuyến đường này hình thành, các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này nó sẽ bị lãng phí. Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Đại biểu cho rằng khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát. Đồng thời cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai. Hay về phương thức đầu tư đại biểu đánh giá cao khi Hà Nội kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào dự án.

Trao đổi quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng, cần phải xây dựng các dự án đô thị, các khu công nghiệp trên tuyến kết nối dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4.

Các đại biểu khác cũng cho rằng, lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này. Đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.

Đại biểu Quốc hộiTạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hộiTạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có. Đại biểu đề nghị cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân, đồng thời trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu. Do đó, đề nghị cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong vấn đề giải phóng mặt bằng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Cử tri kỳ vọng dự án quan trọng quốc gia sớm được triển khai thực hiện

Trong phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) nhận định, đây cũng là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch và hiện thực hóa rõ ràng hơn về những giải pháp và hành động để đạt mục tiêu năm 2030 - 2045 của đất nước. Đại biểu nhấn mạnh, cử tri và Nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Đại biểu cũng cho biết, cả hai dự án đều đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã được phân tích rất kỹ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, về quy hoạch và hình thái đô thị Vùng Thủ đô và vùng TP Hồ Chí Minh đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn. Một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh thành. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TP Hồ Chí Minh gặp phải. Đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, làm sao để hai dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.

Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh các vành đai cao tốc, đại biểu lưu ý cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistic, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.

Đồng thời cũng lưu ý khi triển khai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ dự án cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3. Và đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ thì cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đề nghị Quốc hội cho theo phương án như Chính phủ trình là cho được áp dụng trong thời gian thực hiện dự án.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn TP Hà Nội) nêu ý kiến, việc cấu trúc đô thị với hệ thống đường vành đai và xuyên tâm là mô hình phổ biến trên thế giới đang áp dụng. Các cấu trúc vành đai và xuyên tâm kết hợp với vùng lõi là ô bàn cờ với các tuyến xuyên tâm vành đai kết hợp các tuyến giao thông công cộng, vận chuyển hành khách lớn như Metro, BRT… Các trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh được bố trí theo các hệ đường vành đai và xuyên tâm kết hợp với các trung tâm lõi mạnh là tầm nhìn vào các cấu trúc của đô thị hiện đại, văn minh của các đô thị trên thế gới.

Theo đại biểu, trong vùng thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Vành đai 3, Vành đai 4 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết phải đầu tư ngay. Vành đai 4 Vùng Thủ đô kết nối với các tỉnh phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam và trực tiếp chạy qua Hưng Yên, Bắc Ninh và kết nối một số vùng đậm nét văn hóa, nhất là văn hóa kinh bắc với quỹ đất và không gian phát triển vô cùng tiềm năng cho phát triển du lịch, văn hóa, công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

Đại biểu nhấn mạnh, với hệ thống đại đô thị thì việc hoàn thiện các hệ thống đường vành đai và xuyên tâm vô cùng quan trọng, do đó làm càng sớm càng tốt. Theo đại biểu, yếu tố quan trọng để làm nên thành công của dự án là các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình qua nhiều tỉnh, vì vậy cần có một cơ chế thống nhất về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn tuyến. Đặc biệt, phải có Ban chỉ đạo trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng và đủ thẩm quyền. Theo kinh nghiệm, trong quá trình triển khai dự án sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền cho Ban Chỉ đạo này, với các vấn đề phát sinh mới chỉ cần báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thì có thể giải quyết.

Các đại biểu khác cũng cho rằng, để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây thì bên cạnh hướng tuyến hành lang công trình, cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.