Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐB Quốc hội: cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn về chuyển đổi năng lượng

Vân Hà - Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để bảo đảm thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên.

Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tổ về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) cho biết, khoản 9 điều 5 Dự thảo Luật hiện quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đề nghị thiết kế khoản 9 điều 5 tương tự như khoản 8 điều 5 của Dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi. 

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) - Ảnh: Thái An
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) - Ảnh: Thái An

Về việc cho phép doanh nghiệp Nhà nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (điểm c khoản 1 Điều 42), đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ: do điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp Nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam như PVN, EVN đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Để bảo đảm thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, Dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên.

"Việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp Nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro nếu có" - đại biểu Tạ Thị Yên nêu.

Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị bổ sung vào điểm c khoản 1 điều 42 Dự thảo Luật nội dung sau: "Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được đề xuất đối tác cùng phát triển dự án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”.

Quang cảnh thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội chiều 25/10 - Ảnh: Thái An
Quang cảnh thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội chiều 25/10 - Ảnh: Thái An

Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Luật Điện lực hiện đang bỏ khoảng trống lớn, không có quy định nào liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm liên quan đến điện. Ví dụ như: hành vi cấp, cắt điện, trì hoãn khắc phục sự cố, không đấu điện đúng quy định... Những hành vi này trong Luật Hình sự quy định là tội phạm, nhưng trong Luật Điện lực chỉ quy định xử lý vi phạm hành chính mà thiếu quy định xử lý trách nhiệm hình sự.

"Nếu vậy vấn đề ý thức, nhận thức, đạo đức của cán bộ công liên quan đến vấn đề điện lực không được tuân thủ và đáp ứng được nhu cầu của người dân" - đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, chính sách chuyển đổi năng lượng không thể được thông qua trong 1 kỳ họp, cần có sự cam kết, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vì không thể cứ làm điện sạch thì sẽ chuyển đổi tốt. Quan trọng là vấn đề tiêu thụ năng lượng.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn TP Hà Nội) - Ảnh: Thái An
Đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn TP Hà Nội) - Ảnh: Thái An

Theo đại biểu Lê Quân, nếu tập trung đầu tư xây dựng quá nhiều nhà máy nhiệt điện, nhiều nhà máy cán thép, luyện kim thì sử dụng năng lượng nhiều, phải làm nhiều nhà máy điện - nhất là nhà máy điện hóa. Điều này lại đặt ra bài toán về môi trường, trong khi chúng ta hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế sạch. Vì thế, bài toán đặt ra trong luật này là xử lý được vấn đề chuyển đổi năng lượng, nhưng chúng ra mới xử lý được việc phát triển một số nguồn năng lượng mới.

 

Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở cho những đột phá về cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Việc chậm triển khai Quy hoạch này đang đặt ra nguy cơ thiếu điện cho phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực lần này mang tính chất cấp bách và được Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Trong 2 mục tiêu: đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế đến 2030 theo Quy hoạch Điện VIII, sẽ cần đưa vào vận hành 30.160 MW điện khí và LNG; 21.000 MW điện gió và 4.000MW điện mặt trời. Tuy nhiên hiện nay các dự án điện khí đều bế tắc. Cũng có nghĩa là không có điện nền để phát triển thêm điện mặt trời, điện gió. Thực tế này gây quan ngại về việc đảm bảo cả 2 mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII.

Bên cạnh giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động điện lực, Cơ quan soạn thảo cũng đưa vào các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn như giá điện 2 thành phần, điện mặt trời mái nhà và xu hướng thế giới như điện hạt nhân vào Luật.