ĐB Quốc hội: Đấu thầu quá ít, lấy đâu ra thuốc điều trị cho bệnh nhân?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số đại biểu Quốc hội công tác trong ngành y tế cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thấm thía trước việc thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít nhiều khi nhà cung cấp không bán.

Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) nhất trí với quy định tại Điều 23 Dự thảo Luật quy định về các trường hợp được chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại hội trường.

Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu.

Tranh luận với các ý kiến về việc đấu thầu mua sắm tập trung, trước ý kiến của một số đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật quy định: “trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đặt lại câu hỏi, nếu bỏ quy định này thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp

Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thấm thía điều này, khi mà thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít nhiều khi nhà cung cấp không bán. Do đó, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu hết chung cho cả nước. Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị giữ quy định này trong luật.

Cân nhắc xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri trong thời gian qua, đặc biệt là những người trong ngành y tế, để khắc phục những vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Đại biểu cho biết, nhiều sai phạm trong thời gian qua đều có liên quan đến giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39. Hiện nay việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính, đang tồn tại nhiều bất cập. Một trong các phương thức đang được sử dụng là “3 báo giá” có mâu thuẫn với quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các tiêu chuẩn thẩm định giá.

Cho biết, trong Dự Luật không có hướng dẫn về xác định giá gói thầu, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Về chỉ định thầu, đại biểu cho biết, chưa quy định rõ thế nào là “gói thầu cần triển khai ngay” tại Điều 23 của dự thảo Luật. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách của nhà cung cấp và quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu vào Điều 78 Dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu vào Điều 78 Dự thảo Luật.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu vào Điều 78 Dự thảo Luật. Cụ thể, thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong trường hợp đã ký kết; đồng thời bổ sung vào Điều 82 trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư nội dung thực hiện các nội dung quy định đã ký kết trong hợp đồng để đảm bảo tính chặt chẽ của hệ thống pháp luật...

Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, qua đại dịch Covid-19 đã cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung “Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định”.

Làm rõ quy định về phạm vi điều chỉnh

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động động đấu thầu trong thời gian tới, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự Luật. Tại Khoản 1, Điều 2 của Dự Luật, việc đấu thầu sẽ áp dụng đối với các hoạt động mua sắm có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.

Đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung vấn đề liên quan đến quy định này. Cụ thể, nếu các bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu hay không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở mua các thiết bị, thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư… thì các dịch vụ này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) hay không? Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, nếu đấu thầu thì sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.

Bên cạnh đó, tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu. Điểm c, Khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chị định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.

Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Hiện nay dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)  lại nêu thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Do vậy, đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách”. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.