ĐB Quốc hội: Nền tảng xây dựng chính quyền số rời rạc, lãng phí nguồn lực

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại phiên chất vấn sáng 4/11, giải trình câu hỏi của ĐB Quốc hội nêu về vấn đề nền tảng số rời rạc, chưa đảm bảo kết nối dữ liệu gây lãng phí nguồn lực và tài nguyên dữ liệu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận trách nhiệm trong quản lý.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm rõ thêm một số vấn đề về an toàn an ninh mạng, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia... Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm rõ thêm một số vấn đề về an toàn an ninh mạng, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia... Ảnh: Quochoi.vn

Các nền tảng rời rạc, chưa đảm bảo kết nối dữ liệu: Bộ trưởng nhận trách nhiệm

ĐB Quốc hội Lý Thị Lan (đoàn tỉnh Hà Giang) đề cập vấn đề chuyển đổi số cần có sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở để đảm bảo sự tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Nhưng hiện nay hầu hết các nền tảng hệ thống phục vụ xây dựng chính quyền số chưa có thống nhất, mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành đều có hệ thống khác nhau. Chi phí kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống tốn kém và khó khăn trong việc đồng bộ dữ liệu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết để giải pháp công tác quy hoạch dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia?.

ĐB Quốc hội Tao Văn Giót (đoàn tỉnh Lai Châu) nêu vấn đề, việc xây dựng Chính phủ điện tử đòi hỏi phải đảm bảo tính đồng bộ, tính tổng thể. Tuy nhiên thời gian qua, việc triển khai thực hiện lại tùy thuộc vào các Bộ, ngành, địa phương theo các dự án độc lập mà việc tổ chức thiết kế nhiều nơi mang tính chất cát cứ, cục bộ, dẫn đến cơ sở dữ liệu vẫn rời rạc, phân tán, thiếu tính liên kết, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí về nguồn lực và tài nguyên dữ liệu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp căn cơ của Bộ để giải quyết tình trạng này?.

Trả lời câu hỏi của các ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chúng ta có 2 giai đoạn thực hiện, trước đây 20 năm công nghệ chưa cho phép nên mỗi xã, huyện 1 cái lẻ tẻ. Nay chuyển đổi số có công nghệ nền tảng dùng chung, Chính phủ, Bộ TT&TT đẩy rất mạnh, thậm chí có văn bản yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành nếu phát triển công nghệ mới không hiện đại thì không áp dụng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm quản lý khi cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số vẫn rời rạc. Ảnh: Quochoi.vn 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm quản lý khi cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số vẫn rời rạc. Ảnh: Quochoi.vn 

"Vẫn có câu chuyện hệ thống độc lập dù có thể chung một nền tảng. Không thể tránh được việc các tổ chức, đơn vị có hệ thống của mình nhưng quan trọng nhất là kết nối để có thể chia sẻ dữ liệu được với nhau. Chúng tôi nhận trách nhiệm khi các nền tảng rời rạc hoặc chưa đảm bảo kết nối dữ liệu", Bộ trưởng nói.

Chúng ta có Nghị định về vấn đề này và sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường chia sẻ, xây dựng, kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu. Trong năm 2023, chính thức Bộ TT&TT sẽ tập trung vào việc là đề nghị các địa phương công bố các cơ sở dữ liệu và có kế hoạch, lộ trình thực hiện cũng như chương trình chia sẻ dữ liệu của các cơ sở dữ liệu này.

Tranh luận về vấn đề này, ĐB Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những đề xuất với Chính phủ, địa phương để trang bị cơ sở, máy móc, thiết bị, hạ tầng kết nối dữ liệu trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, làm rõ, từ đây tới cuối năm liệu việc kết nối và sử dụng tích hợp dữ liệu dân cư trong hệ thống quốc gia có đạt được kết quả như mong muốn hay không?.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Khi bỏ hộ khẩu giấy thời điểm ban đầu sẽ phát sinh trục trặc, những vấn đề này sẽ được tháo gỡ, xử lý. Còn vấn đề kết nối hiện nay mới có 30/90 các bộ, ngành, địa phương kết nối vì Bộ Công an yêu cầu rất khắt khe về việc đảm bảo an toàn thông tin mới cho kết nối. Hiện Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh để cho 60 bộ, ngành, địa phương còn lại sẵn sàng an toàn thông tin để kết nối, vận hành, đảm bảo thuận tiện cho người dân.

Quang cảnh phiên chất vấn sáng 4/11. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên chất vấn sáng 4/11. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình về 3 vấn đề đại biểu, trong đó có vấn kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cứ đã chính thức kết nối chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành và 4 doanh nghiệp Nhà nước, UBND 15 tỉnh, TP. Tuy nhiên việc kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư giữa các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn, đó là hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ; chưa có hệ thống để kết nối; chưa triển khai đầy đủ các phương án kết nối đảm bảo an toàn thông tin, xác nhận để có thể kết nối dữ liệu; có nhiều bộ, ngành địa phương chưa số hoá dữ liệu, quy trình để triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nên dù đã kết nối nhưng hiệu quả khai thác còn hạn chế. Các ngành, địa phương muốn kết nối phải có đủ cơ sở dữ liệu và an toàn-đó là 2 yêu cầu chính.

ĐB Quốc hội Lý Thị Lan (đoàn tỉnh Hà Giang) nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Quốc hội Lý Thị Lan (đoàn tỉnh Hà Giang) nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Thời gian tới Bộ Công an cùng các bộ, ngành địa phương sẽ tập trung rà soát kết nối để phục vụ Nhân dân. Trong đó yêu cầu của Bộ Công an là cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư nếu đã có cơ sở dữ liệu phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Đúng, đủ, sạch, sâu. Thiếu những yếu tố này trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì không thể thực hiện được.

Về tiện ích của tài khoản định danh điện tử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ tháng 7/2022 Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Đây là một bước tiến mới đưa Việt Nam trở thành nước có định danh điện tử quốc gia. Đến ngày 1/11/2022 Bộ Công an đã cấp 12.020.887 hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần