Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội đánh giá Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án hết sức quan trọng, được cử tri và xã hội hết sức quan tâm.
Nhất trí với một số quan điểm trong Nghị quyết số 18-NQ/TƯ đã được thể hiện trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đó là giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp khi phát sinh chênh lệch về giá đất khi có sự chuyển đổi, đại biểu Trần Sỹ Thanh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đây là điều hết sức quan trọng mà từ trước đến giờ chưa có luật nào giải quyết được. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề phải bàn kỹ để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, lợi ích Nhà nước không bị xâm phạm.
Đại biểu cũng nhận định, việc giải quyết, tháo gỡ vấn đề phân cấp, phân quyền trong Luật Đất đai hiện nay rất chậm. Ví dụ đơn giản là việc cưỡng chế, nếu theo đúng thủ tục sẽ mất 90 ngày, như vậy, từ khi có quyết định cưỡng chế cho đến khi thực hiện cưỡng chế mất 3 tháng, trong khi yêu cầu công việc đòi hỏi phải nhanh và hiệu quả.
Từ đó, đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng, phải có sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND các cấp, kể cả cấp quận, huyện, thành phố, tỉnh nếu các cơ quan này thực sự phát huy được tính giao quyền, đủ kinh nghiệm, đủ trình độ, năng lực quản trị.
Đóng góp ý kiến về khía cạnh pháp luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, vấn đề đất đai hiện tại có đến 112 luật, bộ luật có phạm vi liên quan hoặc tác động; trong đó, có đến 88 luật có quy định trực tiếp các vấn đề về quản lý đất đai; 24 luật, bộ luật tuy không có quy định trực tiếp nhưng cũng có những ảnh hưởng rất quan trọng đến việc quản lý và sử dụng đất đai.
“Do đó, một vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là sửa đổi Luật Đất đai nhưng làm sao bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.
Đại biểu cho rằng, giải pháp cơ bản để xử lý vấn đề này cần phải gắn với quá trình rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể trong Luật Đất đai và các luật có liên quan để loại bỏ những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chứ không nên giải quyết theo cách là xác định thứ tự ưu tiên đặc biệt của Luật Đất đai so với các luật khác.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho biết, theo số liệu thống kê, có tới 90% khiếu nại hành chính, 50% tranh chấp về dân sự liên quan đến đất đai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều quy định của Luật Đất đai hiện đã lỗi thời, nhất là về cơ chế giá bồi thường. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù, giá bồi thường khi thu hồi đất giữa thành thị và nông thôn... còn khá bất cập.
Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, cơ chế quản lý đất đai chưa phù hợp, chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức thu hồi. Việc cấp, thu hồi “sổ đỏ” cũng phát sinh nhiều vướng mắc. Có nơi hai nhà sát nhau nhưng có nhà được cấp “sổ đỏ”, nhà bên cạnh lại không dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Bên cạnh đó, các quyết định hành chính của Nhà nước về cấp, thu hồi đất có nhiều hạn chế, nơi thu hồi đất xong để cỏ mọc, nơi dân lại không có đất ở, canh tác… Nhận thức của người dân về pháp luật còn chưa đầy đủ. Công tác giải quyết các vấn đề thừa kế, mốc giới chưa chặt chẽ... Đó là những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đất đai kéo dài.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhận định, trước đây, khung giá đất do Nhà nước áp đặt theo ý chí chủ quan. Dự thảo đã bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá theo giá trị thị trường, tạo ra sự bình đẳng, tiến bộ. Điều này nếu thực hiện được thì sẽ xóa bỏ phần lớn bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay.
Cũng theo đại biểu, nhiều vụ tham nhũng đất đai xuất phát từ việc định giá đất. Nếu có bảng giá đất sát giá trị thị trường, đồng thời, đền bù thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất, sẽ giảm khiếu kiện.
Về thu hồi đất, hiện có 2 phương thức, đó là Nhà nước ra quyết định thu hồi và chủ doanh nghiệp có dự án tự thỏa thuận với người dân để thu gom. Đại biểu cho rằng, khi để người dân và nhà đầu tư tự thỏa thuận sẽ phát sinh vấn đề, đó là giá cao vọt hơn hẳn so với khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, nên xảy ra bất bình đẳng, gây khiếu kiện.
Trong khi đó, chúng ta đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý. Khi giao chủ đầu tư thu hồi thì Nhà nước đã tự bỏ quyền của mình. Do vậy, đại biểu đề nghị, đất đai thuộc diện Nhà nước quyết định dự án đầu tư thì cần do Nhà nước thu hồi, chỉ thỏa thuận trong trường hợp khi một số người cùng góp chung vốn hoặc tự chuyển dịch.
Về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp, dự thảo quy định một người được chuyển nhượng gấp 15 lần hạn điền. “Đây là con số cảm tính, thiếu căn cứ. Không nên quy định hạn mức chuyển nhượng, nên giao đất trong hạn điền, người dùng nhiều hơn thì cho thuê đất, khi đó sẽ hạn chế được chuyện đầu cơ đất đai”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Các đại biểu cũng cho rằng, nhu cầu người dân cao, luôn mong muốn diện tích lớn hơn diện tích thu hồi, cộng với các điều kiện về sinh kế khác, việc nêu ra tiêu chí đánh giá bằng hoặc hơn là rất khó, dễ gây khiếu kiện.