Chiều 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị
Góp ý về biên chế tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho rằng, theo tinh thần chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.
Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, Dự thảo Luật chú ý tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô. Qua đó, giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng, Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này.
Góp ý về danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô quy định tại Điều 7, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị nên quy định đồng bộ cho cả người Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Cần thiết giao quyền chủ động cho Hà Nội
Tán thành giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc UBND TP, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao.
Ngoài việc đảm bảo nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh, Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Đồng thời, với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.
Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15% (tương đương khoảng 3 cơ quan) và đối với cấp huyện thì không có vượt quá 10% (tương đương với 1 cơ quan) theo khung quy định của Chính phủ.
“Như vậy, một mặt là đảm bảo cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Mặt khác, cũng giới hạn trong việc không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị” - đại biểu Trần Chí Cường nêu quan điểm.