ĐB Quốc hội: Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh

Hồng Thái - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam...

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ.

Cải cách hành chính, hướng đến chuyển đổi số quốc gia

Thảo luận tại tổ trong phiên họp Quốc hội chiều 27/5, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho rằng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đều hướng đến chuyển đổi số quốc gia; cải cách hành chính; hỗ trợ phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ.

“Tuy nhiên, luật càng dễ, càng mở, lực lượng công an càng vất vả, quản lý càng khó khăn. Tôi mong các đại biểu thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ các luật do Bộ Công an soạn thảo” – Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết trong tình hình hiện nay xuất phát từ yêu cầu tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Nhật Thành, Bộ Công an là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, như: tổ chức xác minh, cấp giấy tờ đi lại, thực hiện tiếp nhận công dân khi nước ngoài trao trả… Do đó, nếu giao cho Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán ký kết, Bộ Công an tổ chức thực hiện sẽ thiếu tính thống nhất và không bám sát được thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết trong tình hình hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Về việc thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, trên thực tế Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện công tác bảo hộ trong giai đoạn công dân đang bị tố tụng (bị bắt giữ, xét xử), sau khi đã có quyết định xét xử, trục xuất của cơ quan chức năng nước ngoài thì việc xác minh, tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam bị nước ngoài trục xuất hoàn toàn do các cơ quan chức năng của Bộ Công an thực hiện.

“Chính vì vậy, nên cần phải điều chỉnh lại, theo hướng chỉ giao một bộ chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú. Việc quy định giao cho Bộ Công an là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, không trái với quy định của Luật Điều ước quốc tế” - đại biểu Lê Nhật Thành nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn TP Hà Nội) kiến nghị cần rà soát lại quy định, làm sao đơn giản thủ tục và thuận lợi cho du khách nước ngoài.
Đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn TP Hà Nội) kiến nghị cần rà soát lại quy định, làm sao đơn giản thủ tục và thuận lợi cho du khách nước ngoài.

Tiếp cận từ góc độ du lịch, đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn TP Hà Nội) kiến nghị cần rà soát lại quy định, làm sao đơn giản thủ tục và thuận lợi cho du khách nước ngoài, nhất là ở khu vực biên giới đất liền và sát biển. Bởi hiện nay, du khách quốc tế khi đến các điểm du lịch ở khu vực sát biên đang gặp nhiều khó khăn khi phải cùng lúc chịu điều chỉnh của cả luật về xuất nhập cảnh và Luật Biên phòng…

Đề nghị bổ sung vai trò của lực lượng biên phòng

Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), bày tỏ, với đề nghị nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên 3 tháng nên quy định thời hạn không quá 90 ngày sẽ sát hơn vì tháng 4 không có 31 ngày.

Với quy định nâng thời gian nhập cảnh với người nước ngoài lên 45 ngày, đây là mức trung bình ở khu vực. Tuy nhiên, cử tri đánh giá Việt Nam đang đầu tư thu hút phát triển du lịch, hợp tác phát triển kinh tế...  thì để thời gian theo mức trung bình của khu vực là thấp. Đề nghị Ban soạn thảo đánh giá lại, nếu đảm bảo được an ninh thì nên lấy mức 60-90 ngày theo mức chung của Đông Nam Á và châu Á, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua xuất nhập cảnh.

Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ.
Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ.

Đồng thời, với quy định việc tạm trú của người nước ngoài qua cửa khẩu phải đăng ký với công an, cử tri đề nghị nên phát huy vai trò của lực lượng biên phòng. Bởi người nước ngoài vào biên giới, cửa khẩu nếu qua đêm thì phát huy vai trò của lực lượng biên phòng. Khi xảy ra vụ việc vi phạm, nhập cảnh bất hợp pháp thì lực lượng này cũng là tuyến đầu. Vì vậy, cần bổ sung lực lượng biên phòng vào nội dung này.

Đồng quan điểm, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) thống nhất lý do sửa đổi luật và thống nhất thời hạn thị thực điện tử nâng từ 30 ngày lên 90 ngày mà không ghi 3 tháng như ý kiến đại biểu Thắng;

Đại biểu cũng thống nhất với đề xuất mở rộng thị thực điện tử với công dân ở các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quy định cụ thể nước, vùng lãnh thổ nào. Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội danh sách này trước Quốc hội khi thông qua để đại biểu Quốc hội nắm được, về số lượng cụ thể.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ.

Đồng tình với quy định bổ sung đồn biên phòng, trạm biên phòng là đầu mối khai báo nhập cảnh, cư trú ở vùng biên giới, đại biểu Bạch Tuyết khẳng định: Vai trò của đồn biên phòng ở khu vực biên giới được quy định rất rõ trong các Luật đã được Quốc hội mới thông qua. Bộ đội biên phòng cũng phải nắm bắt được các đối tượng người nước ngoài cư trú ở các vùng biên giới để góp phần làm tốt công tác quản lý biên giới cũng như làm tốt công tác phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, ma tuý...  "Tôi đề nghị cần bổ sung thêm nội dung này chứ không phải chỉ báo cho trưởng công an xã khu vực biên giới" - đại biểu đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Lê Quang Đạo (Đoàn tỉnh Phú Yên), nội dung khai báo tạm trú và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan hết sức quan trọng: Quy định công an mới có thẩm quyền tiếp nhận khai báo, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài. Điều này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phân tích nhận định này, đại biểu Lê Quang Đạo cho biết, hiện nay tất cả các điều ước quốc tế cũng như các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vai trò trách nhiệm của bộ đội biên phòng rất nhiều. Bộ đội biện phòng tiếp giáp 3 nước Trung Quốc, Campuchia, Lào trên 5 nghìn km đường bộ; 28 tỉnh, thành ven biển có 3.260km bờ biển cùng 12 hòn đảo... Bộ đội biên phòng cũng đóng quân rộng khắp với hàng nghìn điểm. Ở những khu điểm vùng sâu, vùng xa thì công an không bao giờ đến được.

Hiện đã có Luật về bộ đội biên phòng cùng nhiều quy định khác, nhưng trong Dự thảo Luật này lại chỉ giao cho công an mới có quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật... của người nước ngoài là chưa đáp ứng được. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ đồn biên phòng để phù hợp với Luật Biên phòng cùng như các quy định của luật pháp quốc tế.