Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: bổ sung chế tài xử lý trường hợp không thực hiện kết luận giám sát

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/11, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến để hoạt động giám sát của HĐND được nâng cao hiệu quả.

Đề xuất bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát

Góp ý để hoạt động giám sát được hiệu quả, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) quan tâm đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định đối với trách nhiệm của UBND ở những nơi không có HĐND cùng cấp thì việc gửi quyết định mà mình đã ban hành đến HĐND cấp trên chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định thêm về trách nhiệm cụ thể mang tính bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Bổ sung các giải pháp thực sự hiệu quả để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát; bổ sung quy định chế tài xử lý trong trường hợp quá thời hạn mà cơ quan, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị hoặc thực hiện không đúng yêu cầu. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc phản ánh tình hình, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát; tăng cường trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát.

Cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) góp ý vào khoản 2, điều 7 Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cho biết, Dự thảo Luật chỉ sửa đổi bổ sung khoản 2, quy định thêm đối tượng là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để giám sát. Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung khoản 4, quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.

"Quy định thật cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử" - đại biểu Liên Hương nêu.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 29/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc sáng 29/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Thêm quyền giám sát của HĐND với các cơ quan Trung ương cùng cấp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết, qua hoạt động giám sát tại địa phương, HĐND nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám sát tại điều 5 của Luật hiện hành.

Cụ thể, HĐND được quyền giám sát hoạt động của cơ quan Trung ương tại địa phương như: Cục thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước cùng cấp…; đồng thời kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu HĐND được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương.

Đại biểu Ngọc Xuân phân tích, theo điều 113 Hiến pháp và khoản 2, điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì phạm vi giám sát của HĐND tại địa phương rất rộng; bao quát tất cả các đối tượng, lĩnh vực trên địa bàn, kể cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) - Ảnh: Quochoi.vn

Thực tiễn cho thấy các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, đều phải triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do HĐND quyết nghị, trong đó có cả các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương.

Trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh như hiện nay, HĐND được giao thẩm quyền nhiều hơn trong ban hành các chính sách, hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền công, phụ cấp cho các đối tượng xã hội, cho lực lượng quốc phòng, an ninh; hỗ trợ cấp ngân sách cho các ngân hàng chính sách xã hội; kinh phí đầu tư các dự án và hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan Trung ương tại địa phương...

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Việc quy định chính thức cho HĐND được giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước cùng cấp thuộc trung ương, đóng chân trên địa bàn, nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước tại địa phương. Qua đó, giúp cho chính quyền Trung ương quản lý tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, vừa bảo đảm các định hướng, mục tiêu Trung ương giao cho địa phương được thực thi hiệu quả.  

Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung thẩm quyền giám sát hoạt động các cơ quan Trung ương tại địa phương cho HĐND cùng cấp và quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND trong chất vấn người đứng đầu các cơ quan đó.