Phải nâng kế hoạch phát triển nhà ở lên 5 năm
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, phải nâng kế hoạch lên 5 năm chứ không phải hàng năm. Bởi, một dự án đầu tư nhà ở có chu kỳ từ 3 đến 5 năm, nếu quy định hàng năm sẽ không có sự thay đổi phù hợp. Hơn nữa, kế hoạch phát triển 5 năm cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, khi kinh tế xã hội phát triển đến đâu thì đưa kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp đến đấy...
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với việc quy định kế hoạch phát triển ở thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND địa phương. Tuy nhiên, nhiều nhà ở mang tính liên vùng, có sự di chuyển về người sử dụng. Do đó, đôi khi một địa phương quyết định độc lập có thể không đầy đủ thông tin, nên cần phải có thông tin ở tầm rộng hơn, có liên ngành, liên quan đến nhiều vùng, nhiều địa phương khác. Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, trước khi được địa phương ra quyết định thì nên tham khảo ý kiến của một cơ quan có tầm bao quát lớn hơn. Nên tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng là cần thiết-đây chỉ là tham khảo chứ không phải một điều kiện bắt buộc, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Còn đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn tỉnh Hà Nam) đề xuất, cần tiếp tục rà soát quy định nội dung này đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp, phát sinh các thủ tục hành chính trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho biết, tại điểm a, khoản 1, Điều 31 dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng Chương trình phát triển và phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ nội dung này, bởi việc gửi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng là quy định mới được bổ sung trong dự án Luật sửa đổi lần này. Trong khi đó, luật hiện hành không quy định nội dung này mà chỉ quy định đối với thành phố trực thuộc trung ương. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định này chắc chắn sẽ làm các thủ tục hành chính cho địa phương. Do vậy, đề nghị bỏ quy định gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ sử dụng về Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh trong dự thảo luật.
Tránh quan điểm nhà ở xã hội giá rẻ, đi cùng chất lượng kém
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội. Theo đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) đề nghị bổ sung khái niệm căn hộ, bởi dự thảo mới chỉ giải thích khái niệm chung cư, trong chung cư có nhiều căn hộ nên phải giải thích khái niệm căn hộ là một đơn vị nhà ở đảm bảo diện tích tối thiểu và các điều kiện phục vụ sinh hoạt cơ bản cho cá nhân, hộ gia đình...
Tại khoản 8, đại biểu đề nghị sửa lại khái niệm nhà ở xã hội là nhà ở dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở theo quy định pháp luật.
Tại Điều 6 về chính sách phát triển quản lý, sử dụng nhà ở và Điều 7 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội. Cần mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu cho rằng, nên đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê
Trước ý kiến đề xuất phát triển nhà ở xã hội theo hướng chỉ để cho thuê, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (Đoàn tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, giải pháp này hợp lý, nhưng để thực hiện được thì nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn.
Ngoài ra, thực tế hiện nay nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển rất nhanh đã và đang bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động nhưng chưa có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện riêng phù hợp. Dẫn đến người thuê nhà vừa phải chịu những rủi ro về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, vừa phải chịu những chi phí đắt đỏ hơn bình thường như các chi phí về điện, nước.
Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, để tạo điều kiện để mọi người dân đều có chỗ ở như quy định của Hiến pháp thì bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân thì trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này cần quy định rõ ràng cụ thể chính sách phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để tương xứng với vai trò đóng góp của loại hình này trong bảo đảm chỗ ở cho người dân.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng nên phát triển nhà cho thuê vì nếu chỉ tập trung xây dựng nhà ở xã hội thì thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy người lao động không có khả năng tài chính để mua. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Qua rà soát cho thấy hiện có nhiều đất công, tài sản công để hoang phí mà nếu tiến hành rà soát, giám sát thì đây sẽ là nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần bổ sung quy định về quản lý nhà trọ. Chính phủ cần trình với Quốc hội để có một gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất “0 đồng” để nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay và đảm bảo được chuẩn hóa, đảm bảo được những tiêu chuẩn do Luật quy định. Có như vậy mới vừa đảm bảo được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động.