Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, chiều 25/10, Quốc hội đã thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Chính phủ chỉ đạo rà soát, bổ sung các giao dịch phải công chứng
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quy định các loại giao dịch phải công chứng, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình, không quy định về các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng như: giao dịch đối với bất động sản; giao dịch đối với tài sản có đăng ký; giao dịch liên quan đến doanh nghiệp; các giao dịch khác mà pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng.
Trên cơ sở phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến nêu trên, ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp các điểm tích cực của cả 2 loại ý kiến để chỉnh lý nội dung này.
Theo đó, bổ sung khoản 2, điều 1 quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, cụ thể là: “Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng”; đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng (khoản 12, điều 78).
Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu 2 phương án.
Phương án 1: đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh các văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành.
Tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, văn phòng công chứng còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;
Phương án 2: một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo Phương án 1.
Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành, Dự thảo Luật đã bổ sung điều 36a quy định: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là cần thiết
Phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn tỉnh Hà Tĩnh) thống nhất chọn phương án cho phép văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân ở những địa bàn khó khăn, nơi cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
Theo đại biểu, phương án này giúp mở rộng lựa chọn cho các công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề; tạo điều kiện phát triển dịch vụ công chứng ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc mở văn phòng công chứng theo mô hình công ty hợp danh gặp nhiều khó khăn.
Còn đại biểu Trần Đình Gia tán thành quy định tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên và cho rằng: quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của công chứng viên trong quá trình hành nghề; đồng thời bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, giảm thiểu rủi ro và tranh chấp phát sinh.
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc bổ sung cụ thể hơn và nặng hơn mức phạt đối với hành vi sách nhiễu, ép buộc người yêu cầu công chứng, đặc biệt là các hành vi gian lận, nhận lợi ích không chính đáng. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp công chứng viên gây tổn thất cho người yêu cầu công chứng.
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn tỉnh Trà Vinh) đề nghị cần có chế tài xử phạt đối với tổ chức hành nghề công chứng không kịp thời thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp.