Đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung liên quan đến giá dịch vụ y tế và tự chủ bệnh viện. Đại biểu đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh. Tuy nhiên, các nội cụ thể của dự thảo luật lại chưa cụ thể hóa các nguyên tắc vừa nêu.
Về tự chủ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, dự thảo quy định các đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, chi đầu tư, được quyền xác định giá, tự chủ về tổ chức, lao động, nhưng khi đọc kỹ dự thảo cho thấy các quyền này gần như không được thực hiện. Để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở khám, chữa bệnh phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề khám, chữa bệnh. Như vậy năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không. Vì vậy, dự thảo phải đưa ra một điều hoặc mục quy định về điều kiện đơn vị khám, chữa bệnh được tự chủ.
Hơn nữa, tự chủ có nhiều mức khác nhau tuy nhiên trong dự thảo luật này chỉ đề cập đến một loại bệnh viện là tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, như vậy chưa phát huy, khuyến khích các bệnh viện từ các mức tự chủ thấp lên tự chủ cao.
Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy, đại biểu cho rằng có 2 điều mâu thuẫn.
Thứ nhất vô hình chung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định, bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy vô hình chung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.
Mâu thuẫn thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân. Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ.
Quy định nguyên tắc về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Để hoàn thiện dự thảo Luật, góp ý về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 104), đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, quy định trong dự thảo chưa làm rõ sự kết nối các cấp trong khám bệnh, chữa bệnh, chưa đảm bảo điều tiết toàn hệ thống. Các nguyên tắc được nêu trong dự thảo mới tiếp cận theo hướng phân chia, sắp xếp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào các cấp chuyên môn kỹ thuât mà chưa có những nguyên tắc để vận hành.
Do đó, đại đề nghị cân nhắc bổ sung 2 nguyên tắc: Thứ nhất, nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế cơ sở theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với địa bản, theo vùng miền, từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý. Thứ hai, nguyên tắc chuyển cấp chuyên môn kỹ thuật của người bệnh và tính giá dịch vụ giữa các cấp bảo đảm hài hòa về nguồn thu, giữa các tuyến và sự phát triển bền vững của hệ thống.
Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Điều 109), đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị cần có những quy định nguyên tắc, trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời đề nghị ngay trong dự thảo Luật cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung này.
Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị rà soát quy định tại điều này để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật này với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các đạo luật về tư pháp khác, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Thi hành án Hình sự.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhất trí với việc Quốc hội thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này. Đồng thời đánh giá, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có thể giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm, điều còn phát sinh thì cần tiếp tục được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng…