ĐBQH lo thần tượng mạng xã hội cư xử không lành mạnh ảnh hưởng giới trẻ

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Chiều 27/10, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.

Công cuộc chấn hưng văn hóa bắt đầu từ con người

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, song song với phát triển kinh tế, việc xây dựng và phát triển văn hóa đã được quan tâm hơn nhiều, thể hiện qua các chương trình triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại các địa phương. Hội nghị văn hóa toàn quốc đã có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa cũng như các địa phương. 

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hà tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng phải tăng cường đầu tư cho văn hóa vì phát triển văn hóa vẫn chưa thật tương xứng ngang tầm với phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu quan điểm, công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó, trọng tâm là thế hệ trẻ, bởi họ là nguồn lực chính trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Hành vi của họ sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng, vì vậy vấn đề văn hóa số rất cần được quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà đã đề cập một số tồn tại trong ứng xử của thanh thiếu niên trên không gian mạng. Đó là ảnh hưởng của những người trẻ nổi tiếng, là thần tượng của đông đảo người hâm mộ có độ phủ rộng và ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ.

"Những hành vi ứng xử lệch chuẩn của những người nổi tiếng dễ định hướng sai lệch trong việc hình thành nhân cách cho những người hâm mộ trẻ tuổi." - Đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, không khó để nhìn ra được thực trạng thần tượng nào người hâm mộ đó và ngược lại. Vì vậy, họ cần có trách nhiệm với những phát ngôn trên báo chí. Mạng xã hội cũng cần phải có trách nhiệm đối với hành vi và lối sống của mình.

Lướt xem các video xấu độc ảnh hưởng đến giới trẻ

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề cập đến trào lưu các bạn trẻ làm việc trên các nền tảng xã hội nhưng điều mà nhiều bạn trẻ thể hiện trên kênh cá nhân của mình không phải là tài năng để đem lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng mà là những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực chỉ để câu like, câu view.

Ngoài ra, việc lướt xem các video có nội dung xấu độc như vậy sẽ thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực của những thanh thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình tiền…

Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất Chính phủ cần chú trọng phát triển văn hóa khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo của Chính phủ là phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội.

Cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa, hạn chế và kiểm soát những video tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc… Có chế tài xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.

Đề cập đến vấn đề phát triển con người, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) đề nghị bổ sung thêm các giải pháp hiệu quả hơn về phát triển con người. Một là, cải thiện các động lực tăng trưởng kinh tế. Hai là, thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hòa. Ba là, cải thiện thêm chính sách phân phối thành quả tăng trưởng cho các lĩnh vực liên quan đến con người. Theo đó, Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn cho giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật nhằm mục đích phát triển toàn diện con người.

Phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam

Đề cập đến vấn đề văn hóa của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của cha ông ta để lại, khai thác giá trị kinh tế, đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cho biết, Điều 9, Luật Di sản văn hóa có quy định: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Vừa qua, có thông tin bảo vật ấn “Hoàng Đế chi bảo” của vua Minh Mạng truyền đến đời vua Bảo Đại đã được đem ra đấu giá. Đại biểu cho rằng, đây là bảo vật biểu tượng của quốc gia, vì vậy, người giữ ấn và tổ chức đem ra đấu giá đều là bất hợp pháp, vì vậy, các Bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ để dừng cuộc đấu giá, và dùng các biện pháp để đưa bảo vật quốc gia này trở về Tổ quốc, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần